Xuất hiện hiện tượng El Nino
Theo tiêu chí đánh giá của Trung tâm dự báo khí hậu Hoa Kỳ, El Nino đã chính thức bắt đầu. Ngược lại, cơ quan khí tượng Úc cho rằng đến các tháng giữa năm 2015 mới đạt ngưỡng El Nino. Cơ quan khí tượng Nhật Bản cũng cho rằng ENSO hiện vẫn đang trạng thái trung tính, sẽ chuyển sang El Nino vào các tháng mùa hè và kết thúc vào các tháng cuối đông 2015.
Theo kết quả tổng hợp dự báo từ các mô hình thống kê và động lực của nhiều Trung tâm nghiên cứu Khí hậu lớn trên thế giới thì khả năng El Nino kéo dài đến mùa hè năm 2015 là 70% và mùa thu - đông năm 2015 là 60%. Dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương (NINO3.4) đang tăng dần và sẽ đạt cao nhất khoảng 1,0-1,2oC vào nửa cuối năm 2015, trong đó nhóm mô hình động lực cho kết quả dự báo El Nino cường độ mạnh hơn nhóm mô hình thống kê.
Tuy còn khác biệt trong các đánh giá về độ tin cậy của dự báo nhưng các Trung tâm nghiên cứu khí hậu đều nhận định hiện tượng El Nino đã khởi phát từ cuối năm 2014 và sẽ chính thức xuất hiện vào các tháng đầu mùa hè 2015. Mặc dù được dự báo là một El Nino có cường độ yếu đến trung bình nhưng có thể kéo dài đến cuối năm 2015.
Tác động của El Nino đến Việt Nam
El Nino thường kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng về khí hậu, bão lụt cũng như mùa màng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Trước đây, đợt El Nino xảy ra trong hai năm 1997 - 1998 đã làm đảo lộn khí hậu và thời tiết, gây nên những cơn bão lớn cũng như hạn hán khắp nơi trên thế giới, trong hai năm đó đã có 24.000 nguời bị thiệt mạng và thiệt hại hơn 34 tỷ đô la Mỹ. Riêng tại Viêt Nam, thiệt hại mùa màng được ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng.
Theo thống kê, khoảng 40% năm El Nino có số lượng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN), 55% ở mức xấp xỉ TBNN và chỉ có 5% số năm cao hơn TBNN. Như vậy, nhìn chung là vào năm El Nino thì hoạt động của bão và ATNĐ ít hơn hoặc xấp xỉ TBNN. Tuy nhiên, đáng lưu ý là trong các năm El Nino lại ghi nhận các cơn bão mạnh và hiếm gặp như bão Linda (1997), Xangsane (2006) và Ketsana (2009) gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản ở Nam Bộ và Trung Bộ.
Hầu hết các thời kỳ ảnh hưởng của El Nino, nước ta đều thiếu hụt lượng mưa so với TBNN từ 25 đến 50%, đặc biệt là khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, trong những năm El Nino, một số kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ (tức là mưa lớn trong thời đoạn ngắn) và số tháng liên tục hụt mưa tại một số nơi đã được ghi nhận.
Hạn hán khốc liệt tại một số tỉnh Nam Trung Bộ
Trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng trong cả nước có xu hướng cao hơn TBNN và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng so với những năm trung tính hay La Nina.
Trong những năm El Nino, dòng chảy năm ở các sông thuộc Trung Bộ và Tây Nguyên nhỏ hơn TBNN từ 10% trở lên, những năm El Nino mạnh có thể hụt tới 50 - 60%. Lượng dòng chảy tháng nhỏ nhất ở hầu hết các trạm đều nhỏ hơn trị số TBNN và đạt khoảng 80 - 90%. Dòng chảy mùa lũ trong những năm El Nino thường nhỏ hơn TBNN và thường đạt 65 - 95% dòng chảy năm. Trong những năm El Nino, ít có khả năng xuất hiện đỉnh lũ lớn trên sông Cửu Long.
Đánh giá diễn biến của hiện tượng ENSO năm 2014-2015, kết hợp phân tích các kết quả dự báo và tương tự hoàn lưu quy mô lớn, đã xác định hai năm có đặc điểm về cường độ và thời gian xuất hiện El Nino tương tự năm nay là 2002 và 2004. Trong những năm này, số lượng bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam đều ít hơn so với TBNN (năm 2002 chỉ có 1 ATNĐ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, năm 2004 có 2 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam). Tổng lượng mưa trong mùa mưa, bão, lũ của 2 năm này đều ở mức thiếu hụt so với TBNN và hệ quả là trong năm 2002, 2004 đã xảy ra hạn hán nghiêm trọng ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Ngoài ra, nền nhiệt độ trong 2 năm tương tự nêu trên đều cao hơn so với TBNN, đặc biệt là vào mùa thu - đông.
Năm 2015, Do ảnh hưởng của El Nino Tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn sâu vào vùng cửa sông tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Trung Bộ và kéo dài tới tháng đầu 9/2015. Hạn hán tại một số huyện thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ có thể ở mức khốc liệt. Ở khu vực Tây Nguyên đã có mưa chuyển mùa, nhưng lượng không đáng kể, vì vậy tình trạng khô hạn vẫn xảy ra cục bộ và kéo dài đến tháng 5/2015.
Do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa trên cả nước sẽ giảm rất nhiều, cùng với nền nhiệt độ tăng cao gây hạn hán làm thiệt hại nặng nề mùa màng - nhất là vụ lúa Đông Xuân và các loại nông sản như cà phê, chè, .... Lượng nước mưa ít sẽ gây nên nạn thiếu nước ngọt để uống ở những thành phố lớn cũng như sự xâm nhập mặn ở những vùng ven biển và cửa sông. (trước đây, vào năm 1998 nạn thiếu nước uống đã được ghi nhận tại Hà Nội vào mùa hè cũng như mực nước tại các đập Hoà Bình, Trị An và Thác Bà xuống rất thấp không đủ để vận hành thủy điện).
Vì thiếu mưa và nước ngọt nên tình hình xâm nhập mặn sẽ gia tăng và ngày càng mở rộng ở các vùng đồng bằng ven biển. Hiện nay đã có hơn một triệu ha bị xâm nhập mặn và ở một số nơi nước mặn đã xâm nhập vào sâu trong đất liền hàng chục km. Sự xâm nhập mặn này sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi El Nino gây nên hạn hán không chỉ ở vùng đồng bằng mà còn trên các vùng thượng lưu. Lưu lượng các sông sẽ bị giảm thiểu trong mùa khô cũng như trong mùa mưa, mực nước trên các hồ chứa nước và thủy điện giảm và thiếu hụt đáng kể, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế xã hội. Một hậu quả khác của ít mưa và nhiệt độ cao là nạn cháy rừng; các vùng rừng trên khắp cả nước sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là trong mùa khô 2014 - 2015.
Thủy Nguyễn
Nguồn : monre