Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Phòng tránh mưa đá, dông lốc: Mỗi người dân cần chủ động và hiểu biết
Ngày đăng: 10/04/2015
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vài ngày tới, không khí lạnh sẽ kéo theo khả năng xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh tại vùng núi các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vốn là hình thái thời tiết phổ biến vào thời gian chuyển mùa (từ tháng 3 – 5), nhưng tố lốc và mưa đá là hiện tượng thời tiết cực đoan khó dự báo nhanh và chính xác địa điểm xảy ra. Chủ động và hiểu biết là điều kiện cơ bản để mỗi người dân phòng tránh được loại thiên tai này.

Khó dự báo – thiệt hại lớn

Vào những ngày cuối 3 và đầu tháng 4, tố lốc và mưa đã xảy ra ở một số địa phương như Lào Cai, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, gây nhiều thiệt hại.

Trận mưa đá kèm lốc xoáy kéo dài 20 phút xảy ra vào tối 29/3 quét qua địa bàn xã Kỳ Sơn và 4 xóm của xã Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) đã  làm gần 200 ngôi nhà tốc mái và thiệt hại 45ha hoa màu. Lốc xoáy xuất hiện cùng mưa đá có kích thước lớn làm ngói rơi trúng đầu khiến một người dân phải nhập viện. Gần đây nhất, trận mưa đá tuy chỉ kéo dài vài chục phút  ở phường 7 và phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng)  đã khiến hàng chục nhà kính bị hư hại và đổ sập; nhiều hecta rau, hoa, dâu tây… bị hư hại hoàn toàn.

Theo các chuyên gia khí tượng, hiện Bắc Bộ đang bước vào thời kỳ chuyển mùa, từ mùa lạnh sang mùa nắng nóng nên rất dễ xảy ra dông tố, lốc và mưa đá, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc.

Tuy là hình thái thời tiết thường xuất hiện trong khoảng thời gian giao mùa nhưng đây là hiện tượng thời tiết xảy ra cục bộ, trong thời gian ngắn nên dự báo chính xác khu vực xảy ra mưa đá là rất khó.

Đối với mưa đá, dông lốc, chỉ có thể cảnh báo trước với khoảng thời gian ngắn. Có thể chỉ báo trước được 10-15 phút và nhiều là 30 – 60 phút. Việc dự báo dông lốc và mưa đá phải dựa vào tình hình khí hậu cụ thể.

Biện pháp đồng bộ

Trong thực tế, tần suất xuất hiện mưa đá trong cơn dông chỉ vào khoảng 10%. Mưa đá thường chỉ xảy ra trong các cơn dông tố mạnh và đi kèm với mưa rào cường độ lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

Hiện nay cơ quan khí tượng thủy văn mới chỉ có thể dựa vào sự phát triển của các đám mây dông để cảnh báo trước 1- 2 giờ trước khi mưa đá xảy ra. Vậy nên để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa đá, sự kết nối linh hoạt giữa cơ quan dự báo, triển khai và người dân phải được coi là biện pháp then chốt.

Cùng với đó, dự báo mưa đá cũng chỉ thực hiện được ở những nơi có trạm quan trắc khí tượng hoặc có trạm radar thời tiết. Ở một số địa phương do chưa có trạm radar thời tiết nên chỉ có thể cảnh báo sớm khả năng xảy ra mưa đá dựa vào các hình thế thời tiết, ảnh mây và những biến động bất thường của yếu tố thời tiết quan trắc được tại các trạm khí tượng. Để nâng cao chất lượng dự báo mưa đá, giảm thiệt hại của hiện tượng thời tiết cực đoan việc tăng cường mạng lưới trạm khí tượng và radar cùng cần được chú trọng .

Thêm nữa, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về những tác động nhanh của hiện tượng thời tiết này. Không như bão, lũ lụt tác động trong thời gian dài, có thể lên kế hoạch phòng chống. Tác hại của mưa đá được hạn chế chủ yếu và hiệu quả nhờ vào sự hiểu biết và nỗ lực của mỗi người dân.

Để tự phòng tránh người dân cũng có thể nhận biết được chuẩn bị xảy ra mưa đá dựa vào một vài đặc điểm như, ban ngày có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột. Người dân ở các khu vực hay có mưa đá cần theo dõi thường xuyên thông tin thời tiết và luôn chuẩn bị sẵn các phương án trú, tránh an toàn cho người, vật nuôi và hạn chế tác hại của mưa đá đối với các vật dụng, đồ dùng, máy móc nếu mưa đá xảy ra…

P.Lan

Nguồn : monre

Các tin khác