Quá khó… ló tự động
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hệ thống cảnh báo mưa bão, lũ quét tự động Nậm La – Nậm Pàn, ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc không giấu nổi niềm vui: “Vậy là thêm một mùa mưa lũ nữa sắp đi qua, Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung chắc sẽ an toàn vượt qua sự khắc nghiệt của đất trời. Có được sự bình yên cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc và cũng đỡ cực nhọc cho anh em chúng tôi chính là nhờ hệ thống đo mưa đo thủy văn tự động mà ngành KTTV đã đầu tư gần 15 năm nay…”.
Sau trận lũ quét lịch sử ngày 27/7/1991 trên hệ thống sông Nậm La - Nậm Pàn cuốn phăng 37 con người cùng rất, rất nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trụ sở và nhà cửa của đồng bào các dân tộc tại TP Sơn La và huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), Tổng cục KTTV (nay thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã triển khai xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét trên lưu vực Nậm La, Nậm Pàn để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, giải quyết những khó khăn của công việc dự báo vốn rất khó khăn này.
Nhớ lại những ngày thai nghén và ra đời của trạm, ông Nguyễn Văn Bính – Phó trưởng Phòng Thông tin dữ liệu, người được lãnh đạo Đài KTTV khu vực Tây Bắc giao nhiệm vụ tiếp cận, học tập và vận hành hệ thống tự động Nậm La – Nậm Pàn.
Vậy là chàng trai có gần 20 năm gắn bó với máy Lưu tốc kế và những chiếc nôi KTTV của một thời “Lặng lẽ Sa Pa” được tiếp cận hệ thống đo tự động từ khi khảo sát, lắp đặt, vận hành và đi vào hoạt động từ năm 1999 đến nay.
Cùng với 3 kỹ sư khác, ông Bính nhanh chóng làm chủ thiết bị và vận hành hệ thống hiện đại này khi được các kỹ sư, chuyên gia máy tính, điện tử viễn thông của Trung tâm dự báo KTTV Trung ương đào tạo thêm nghiệp vụ về lý thuyết và được thực hành trực tiếp trên hệ thống tại các trạm trên suối Nậm La (TP Sơn La) và Nậm Pàn (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn).
Nhấp chuột, biết tình hình mưa lũ trong… cả vùng
Sau khi hướng dẫn thăm phòng máy chủ với hệ thống trang thiết bị hiện đại không kém bất kỳ Trung tâm thông tin, tin học nào tại Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bính dẫn chúng tôi đến hai trạm thủy văn Nậm Na - Nậm Pàn. Dù đã hình dung qua lời kể nhưng đến nơi chúng tôi vẫn bị “choáng” bởi sự gọn, nhẹ nhưng vô cùng hiện đại của những thiết bị đo mưa, cảnh báo lũ xuất xứ chủ yếu từ Đức và Hoa Kỳ này. Từ khi hệ thống đưa vào hoạt động, các đợt mưa lũ trên lưu vực được dự báo kịp thời và chính xác.
Trở về phòng dự báo của Trung tâm, dự báo viên La Thị Lan, người đã có gần 30 năm gắn bó với nghề KTTV của Đài Tây Bắc cho biết: Trước đây, mỗi khi có mưa bão, anh em làm nghề KTTV lại đứng ngồi không yên. Ở trạm thì khỏi nói cũng biết vất vả, nguy hiểm như thế nào, còn ở Trung tâm dự báo thì hết nhấc máy điện đàm hỏi tình hình lại tính toán, truyền số liệu… nhưng nhanh nhất cũng phải mất 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ mới ra được một bản tin.
“Giờ thì chỉ cần một cái nhấp chuột, các số liệu dù ở Sơn La hay bất cứ huyện vùng cao nào của Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình đều lập tức được truyền vào phần mềm dự báo. Và chỉ chưa đầy 15 phút, bản tin dự báo đầu tiên được đưa ra. Những lúc cao điểm, chỉ 5 đến 10 phút chúng tôi lại có một bản tin cảnh báo để kịp thời phục vụ cho các địa phương. Đỡ vất vả nhiều lắm” – chị Lan phấn khởi nói. Giám đốc Đài KTTV Tây Bắc Nguyễn Văn Toàn cho biết thêm: “Không chỉ kịp thời cập nhật với tần suất cao mà quan trọng nhất là độ chính xác gần như tuyệt đối của hệ thống quan trắc tự động đã giúp các địa phương chủ động trong công tác phòng chống và di dân để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra”. Đánh giá về tính ưu việt của hệ thống đo mưa đo thủy văn tự động đối với công tác phòng, chống mưa, lũ quét trên địa bàn, ông Cầm Bun Păn, Chi Cục phó Chi cục Thủy lợi, Thường trực Ủy ban Phòng chống lụt bão tỉnh Sơn La cho biết: Hàng năm Sơn La đều xảy ra lũ dồn, lũ lớn trên các sông suối, đặc biệt lũ quét cục bộ tại các lưu vực nhỏ, thung lũng hẹp rất nguy hiểm và khó lường gây hậu quả lớn. Có thể nói, hệ thống tự động đã làm rất tốt công tác dự báo, cảnh báo về diễn biến thời tiết khí hậu, thủy văn… giúp địa phương hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản trong các đợt lũ trên khu vực.
“Điển hình là ngày 26/9/2008, lũ quét đã xảy ra đồng thời tại nhiều nơi thuộc thành phố Sơn La và thị trấn Mai Sơn; mực nước đỉnh lũ tại thành phố Sơn La ở cấp báo động III, mực nước đỉnh lũ tại cầu Hát Lót - thị trấn Mai Sơn tương đương đỉnh lũ ngày 27/7/1991. Các bản tin về tình hình mưa, lũ do Đài KTTV Tây Bắc cung cấp rất kịp thời và sát với thực tế giúp lãnh đạo tỉnh chủ động chỉ đạo và ứng phó. Nhờ đó thiệt hại về người, tài sản và gia súc đã giảm đến mức thấp nhất. Cả hai khu vực số người bị chết 5 người (trong đó: 2 chết người do sạt lở đất đổ nhà, 3 chết người do lũ), so với năm 1991 số người chết giảm 32 người” – ông Cầm Bun Păn cho biết.
Máy đo thủy văn tự động
Tiền đề cho tự động hóa ngành KTTV toàn quốc
Sự thành công của hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét trên lưu vực Nậm La - Nậm Pàn đã tạo tiền đề trong việc từng bước hiện đại hoá công nghệ quan trắc, truyền tin theo hình thức tự động để phục vụ công tác theo dõi diễn biến về mưa, lũ kịp thời ra các bản tin cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét. Từ thành công ban đầu đó, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mà trực tiếp là Trung tâm KTTV Quốc gia đã đầu tư cho 4 tỉnh Tây Bắc 47 trạm đo mưa, đo thủy văn tự động.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục KTTV và Biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Văn Tuệ khẳng định: “Từ sự khởi đầu khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống hiện đại nhưng Đài KTTV Tây Bắc đã làm chủ và vươn lên trở thành điển hình trong công tác này của khu vực. Những kinh nghiệm thực tế của việc vận hành, duy trì hệ thống công nghệ tự động đầu tiên ở Sơn La đã tạo tiền đề cho việc đầu tư xây dựng, nâng cấp trạm quan trắc khí tượng thủy văn, trong đó có mạng lưới đo mưa trên lãnh thổ toàn quốc, song song với việc đổi mới, thay thế hệ thống đo đạc thủ công chuyển dần sang hệ thống đo đạc và quan trắc tự động, bán tự động phục vụ công tác cảnh báo thiên tai và phòng chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội… trên toàn quốc".
Cả nước hiện có 178 trạm khí tượng, phân bố không đều giữa các vùng với mật độ trung bình khoảng 1.870 km2/trạm. Trong khi đó, mật độ trung bình tại các nước đã đạt mức trung bình 400 km2/trạm.
Vùng phía Bắc (tính từ Đèo Hải Vân trở ra) mật độ khoảng 1.440 km2/trạm, phía Nam khoảng 2.500 km2/trạm, khu vực đồng bằng (chủ yếu là đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ) có những trạm chỉ cách nhau khoảng 20 km, trong khi miền núi, nhất là vùng núi cao như Tây Nguyên mật độ khoảng 3.116 km2/trạm. Tây Bắc khoảng 1634 km2/trạm. Dọc theo ven biển dài 3.260 km chỉ có 30 trạm khí tượng bề mặt, có nơi khoảng 100 km mới có một trạm. Đặc biệt ngoài biển khơi mật độ trạm quá thưa, cả khu vực biển Đông chỉ có khoảng 10 trạm khí tượng trên đảo.
Việt Hùng
Nguồn : monre