Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Công điện của Bộ trưởng Bộ TN&MT về chủ động đối phó với cơn Bão số 2
Ngày đăng: 18/07/2014
Trước tình hình cơn bão số 2 Rammasun (Thần Sấm) với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp, ngày 17/7/2014, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã có Công điện khẩn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An về việc chủ động đối phó với cơn Bão số

 Công điện nêu rõ: Theo tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 17 tháng 7, vị trí tâm Bão số 2 ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 10 giờ ngày 18 tháng 7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 10 giờ ngày 19 tháng 7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển giữa khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 9 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Từ chiều ngày 18 tháng 7, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5 - 6 mét.

Đây là một cơn bão có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng tránh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do Bão số 2 gây ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu:

1. Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24 giờ); chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tốt công tác quan trắc, thu nhận số liệu khí tượng thủy văn, theo dõi chặt chẽ diễn biến của Bão số 2, tiến hành các cuộc trao đổi trực tuyến giữa các đơn vị ở Trung ương với các đơn vị ở địa phương để thống nhất nội dung các bản tin cảnh báo, dự báo bão; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các bản tin cho các cơ quan ở Trung ương và địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Quy chế  báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ (ban hành kèm theo Quyết định số 17/2011/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ) và Thông tư quy định chi tiết thực hiện Quy chế để chủ động phòng, tránh.

2. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1195/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp cung cấp thông tin dự báo thời tiết, bão, mưa lớn trên phạm vi toàn quốc và hệ thống sông Hồng - Thái Bình.

3. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến của Bão số 2 để xử lý kịp thời những sự cố do bão gây ra trên biển.

4. Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có bão, mưa, lũ xảy ra; có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương đề xuất các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô nhiễm, đặc biệt sau mưa lũ.

5. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thường xuyên theo dõi hiện tượng tai biến địa chất và các quá trình địa động lực công trình, hầm mỏ tại khu vực xảy ra lũ; cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân tình hình sạt, lở đất để có phương án phòng, tránh.

6. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để hỗ trợ tài chính kịp thời cho công tác phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do bão gây ra.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố nêu trên chủ động phối hợp với Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực: Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Đồng Bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các tỉnh, thành phố để tổ chức công tác thu nhận thông tin, phòng, tránh và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

8. Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu giúp Bộ trưởng đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Công điện này, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo kịp thời.

9. Các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương triển khai công tác phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra và kịp thời báo cáo tình hình thiệt hại về Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của Bộ.

PV

Nguồn : monre

Các tin khác