Theo PGS. TS. Nguyễn Kim Lợi, nhóm đã bước đầu xây dựng hệ thống cảnh báo lũ trực tuyến cho lưu vực sông Vu Gia với toàn bộ quy trình vận hành của hệ thống lên website cho đến cảnh báo lũ lụt qua tin nhắn đều được tự động hóa...
Là tỉnh thường xuyên hứng chịu bão lũ, Quảng Nam được xếp hàng đầu về phạm vi ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện. Đặc biệt trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và áp lực phát triển kinh tế-xã hội, tình hình lũ lụt trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng bất thường, không chỉ gây thiệt hại nặng nề kinh tế mà còn tàn phá môi trường sinh thái.
Trong điều kiện khí hậu, thời tiết có những biến đổi, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, việc xây dựng một hệ thống cảnh báo thiên tai, đặc biệt là lũ tại các lưu vực trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.
Nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình thủy văn SWAT làm nền tảng, xây dựng mô hình mô phỏng lũ của lưu vực sông Vu Gia trên cơ sở các số liệu thủy văn, địa chất, địa mạo, dòng chảy, đặc trưng vật lý…. Đề tài còn tiến hành đánh giá định lượng ảnh hưởng của sự thay đổi sử dụng đất đến dòng chảy tại lưu vực sông Vu Gia, qua đó hỗ trợ cho việc hoàn thiện hệ thống cảnh báo lũ cũng như đề xuất các giải pháp sống chung với lũ phù hợp cho vùng hạ lưu sông Vu Gia...
“Nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục được nghiên cứu nhằm cố định các trạm khí tượng và thủy văn cũng như tăng cường mật độ các trạm khí tượng vì địa hình của lưu vực rất phức tạp và hoàn thiện hệ thống để chuyển giao cho địa phương”, PGS. TS. Nguyễn Kim Lợi chia sẻ.
Bảo Minh