Thiệt hại về người ở các địa phương này là rất lớn. Cụ thể ở Quảng Ngãi có 7 người chết; Bình Định 13 người; Quảng Nam 2 người, Phú Yên 2 người, Gia Lai 2 người chết; Kon Tum 1 người mất tích.
Tại Quảng Nam, hiện đã có 53 hồ đầy nước và đang tiến hành xả tràn tự do. Tại hồ chứa nước Phú Ninh, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh, theo quy trình vận hành, mực nước hồ trong tháng 11 giữ ở cao trình 30,5 mét, song từ đầu giờ chiều qua (15/11) đã ở cao trình 30,65 mét. Do đó, đơn vị quản lý đã cho xả nước hồ Phú Ninh với lưu lượng 114 m3/s và còn tiếp tục nâng lên để đảm bảo an toàn công trình.
Nhà cửa người dân ngập sâu trong nước lụt. Ảnh: VGP/Mai Vy
Còn tại thủy điện Sông Tranh 2, theo qui định, Chính phủ cho phép tích nước ở cao trình 140. Nhưng hiện nay, mực nước hồ này đang ở cao trình 165 mét và tiếp tục lên.
Do vậy, thủy điện Sông Tranh 2 đang xả tràn tự do kết hợp với xả qua phát điện tổng lượng nước lên tới 2.500 m3/s. Thủy điện Đăkmi4 cũng nâng lưu lượng xả lên gần 4.000m3/s khi lượng nước về hồ trên 4.360m3/s.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện mực nước tại các sông vẫn lên chậm, chưa có dấu hiệu rút. Việc xả nước các hồ thủy điện khiến mực nước trên các sông lên nhanh, gây ngập lụt nhiều nơi. Dự báo lũ nhiều sông miền Trung sẽ cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Mai Vy - Monre