Tham dự Hội nghị có nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các quốc gia, Tổng thư ký Liên hợp quốc và một số khách mời đặc biệt. Đây là diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực; thực hiện giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các quốc gia, Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng các đại biểu tham dự Hội nghị
Ba ưu tiên trong ứng phó biến đổi khí hậu
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi hành động ứng phó biến đổi khí hậu cần tập trung vào 3 ưu tiên.
Thứ nhất là giảm phát thải khí nhà kính khẩn cấp. Để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng không vượt quá 1,5 độ C, thế giới phải cắt giảm 9% lượng khí thải toàn cầu mỗi năm. Đến năm 2030, lượng khí thải phải giảm 43% so với mức năm 2019. Tuy nhiên, thực tế là lượng khí thải vẫn đang tăng ở thời điểm hiện tại.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi hành động ứng phó biến đổi khí hậu cần tập trung vào 3 ưu tiên
Đến COP30, các quốc gia cần đưa ra các kế hoạch hành động khí hậu mới để đảm bảo mục tiêu 1,5 độ C. Kế hoạch bao gồm việc giảm lượng khí thải trong toàn bộ nền kinh tế; thúc đẩy các mục tiêu toàn cầu nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng và ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030; cắt giảm sản lượng và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu 30%. Cần điều chỉnh các chiến lược chuyển đổi năng lượng quốc gia, các ưu tiên phát triển bền vững cùng hành động vì khí hậu để thu hút khoản đầu tư cần thiết.
Tất cả những điều này phải đạt được theo nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt, dựa trên năng lực tương ứng theo bối cảnh từng quốc gia khác nhau. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, tất cả các quốc gia phải làm tròn trách nhiệm của mình và G20 phải dẫn đầu. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ trong từng bước thực hiện.
Hội nghị COP29 diễn ra tại Azerbaijan từ ngày 11 - 22/11, quy tụ trên 80 nguyên thủ quốc gia và khoảng 70 nghìn đại biểu đăng ký tham dự
Thứ hai, các nước phải hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ người dân của mình – đặc biệt là những người dễ bị tổn thương trước những điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Nhu cầu tài chính cho thích ứng biến đổi khí hậu có thể lên tới 359 tỷ đô la/năm vào năm 2030. Các nước phát triển phải chạy đua với thời gian để tăng gấp đôi tài chính cho thích ứng lên ít nhất 40 tỷ đô la/năm vào năm 2025. Các khoản đầu tư thích ứng có thể chuyển đổi nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình trên khắp các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Các quốc gia dễ bị tổn thương cần chỉ rõ nhu cầu tài chính thích ứng trong kế hoạch hành động về khí hậu mới. Và cần nhiều hơn nữa các cam kết tài chính cũng như nguồn tiền cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại. Ông Antonio Guterres lưu ý việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai để bảo vệ tất cả người dân trên thế giới vào năm 2027, theo mục tiêu Sáng kiến Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người.
Thứ ba là vấn đề tài chính. Các nước đang phát triển mong muốn hành động ứng phó BĐKH nhưng phải đối mặt với nhiều trở ngại: Thiếu hụt tài chính công; chi phí vốn tăng cao; thảm họa khí hậu ngày càng nghiêm trọng; và gánh nặng nợ công. Năm ngoái, các thị trường đang phát triển và mới nổi ngoài Trung Quốc chỉ nhận được mười lăm xu cho mỗi đô la đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn cầu.
“COP29 phải phá bỏ bức tường tài chính khí hậu. Các nước đang phát triển không thể rời Baku tay không. Chúng ta cần một mục tiêu tài chính mới phù hợp với thời điểm hiện tại” – Tổng Thư ký Liên hợp quốc tuyên bố.
Tổng thống Azerbajan, ông Ilham Aliyev khẳng định ủng hộ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi xanh của thế giới
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Azerbajan Ilham Aliyev khẳng định ủng hộ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi xanh của thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Azerbajan đăng cai Hội nghị COP 29 với vai trò Chủ tịch. Tiềm năng điện gió tại đây ước tính lên tới 135 gigawatt trên bờ và 157 gigawatt ngoài khơi. Trong những năm qua, nhiều công trình nhà máy điện mặt trời, điện gió với công suất lên tới hơn 200 megawatt đã được triển khai.
Mục tiêu đến năm 2030, Azerbajan sẽ xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió và thủy điện với tổng công suất khoảng 6 gigawatt. Thực tế đến nay, hợp đồng và biên bản ghi nhớ đã ký kết lên tới 10 gigawatt. Azerbajan sẽ thay đổi cách nhìn của thế giới và thể hiện sự chuyển đổi mạnh mẽ từ một quốc gia nổi tiếng về sản xuất dầu mỏ, khí đốt sang năng lượng tái tạo.
Cần hành động mạnh mẽ hơn nữa
Nhấn mạnh những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) Jim Skea cho biết: Trong 12 tháng kể từ COP gần đây nhất tại UAE, người dân trên khắp Châu Á và Sahel (vùng đất nằm giữa Bắc Phi và sa mạc Sahara) phải chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt; các cộng đồng ở Châu Mỹ phải chiến đấu chống lại các vụ cháy rừng tàn khốc; lũ lụt thử thách các giải pháp phòng chống ở Trung Âu, điển hình là trận lũ quét gần đây nhất ở Valencia (Tây Ban Nha). Nhiều người đã mất nhà cửa, sinh kế – và cả mạng sống.
Những hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, mà nguyên nhân sâu xa do phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người. “Đây là trạng thái bình thường mới” – ông Jim Skea nhấn mạnh và dự báo, trẻ em sinh ra ngày nay sẽ sống trong một thế giới được đánh dấu bằng những cơn bão dữ dội hơn, những đợt nắng nóng bất thường, lũ lụt và hạn hán tàn khốc, bệnh tật lan đến các quốc gia mới...
Ngày nay, cơ hội hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 °C đang rất mong manh. Báo cáo thiếu hụt của UNEP gần đây đã kết luận: Lượng khí thải toàn cầu sẽ cần phải giảm 7,5% mỗi năm cho đến năm 2035 để đưa Trái đất trở lại con đường 1,5 °C vào cuối thế kỉ. Nếu trì hoãn hành động tham vọng hơn đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 15% mỗi năm. Ngay cả việc hạn chế sự nóng lên ở mức 2°C cũng đang gặp rủi ro.
Quang cảnh Hội nghị
Theo Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Charles Michel, mức tài chính khí hậu của EU đã đạt 31 tỷ đô la như một phần của lời hứa 100 tỷ đô la. Con số này nhiều hơn mức chia sẻ công bằng của Liên minh Châu Âu và EU khuyến khích các quốc gia cũng tuân thủ nghĩa vụ tài chính, bao gồm các nước G7 và các nền kinh tế mới nổi.
“Đồng Euro là tiền tệ khí hậu, tài trợ cho trái phiếu xanh. Hơn một phần ba trong số trái phiếu đó lại được phát hành bằng đồng Euro. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển, và đã thực hiện điều này thông qua quan hệ đối tác để chuyển đổi năng lượng công bằng, đặc biệt là với Nam Phi, Indonesia và các quốc gia khác mà chúng tôi hỗ trợ” – ông Charles Michel cho biết.
Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều quốc gia cũng đã có bài phát biểu. Thủ tướng Anh SirKeir Starmer công bố mục tiêu khí hậu mới - giảm 81% lượng khí thải của đất nước vào năm 2035 so với mức năm 1990. Chính phủ Anh bày tỏ quan điểm: Thế giới đang đứng trước một thời điểm quan trọng trong cuộc khủng hoảng khí hậu và Anh sẵn sàng là quốc gia đi đầu trong ứng phó BĐKH.
Sau trận lũ lụt chết người ở Tây Ban Nha, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi "các biện pháp quyết liệt" hơn nhằm ứng phó BĐKH. Phó tổng thống Brazil Geraldo Alckmin định hình các vấn đề trọng tâm trong bối cảnh Brazil chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu vào năm tới. Trong khi đó, Trung tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu nhà nước Sudan nhấn mạnh việc thực thi Thỏa thuận Paris.
Đại diện Nhóm các quốc đảo nhỏ, Thủ tướng Barbados Mia Mottley đã phác thảo kế hoạch "chuyển đổi hệ thống tài chính" để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu. Theo Phó Tổng thống Seychelles - Ahmed Afif, các COP trước đây đã cam kết tài trợ nhưng năm nay phải là năm quyết định cơ chế giải ngân thực tiễn.
Chu Hương - Bảo Trung (đưa tin từ Azecbaijan)