Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Đề xuất lĩnh vực chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính
Ngày đăng: 02/04/2024
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung quy định cơ sở chăn nuôi có quy mô hằng năm từ 1.000 con bò trở lên hoặc 3.000 con lợn trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Căn cứ quy định tại Điều 6 về danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính (sau đây gọi là cơ sở phải kiểm kê KNK), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục bao gồm các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính thuộc các ngành công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên; các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại, công ty kinh doanh vận tải hàng hoá tiêu thụ hằng năm 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm trên 65.000 tấn.

Trong quá trình rà soát và cập nhật danh mục nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất bổ sung cơ sở chăn nuôi (lợn, bò) quy mô lớn vào danh mục các cơ sở phải kiểm kê KNK. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá hiện trạng trong nước và trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương thống nhất đề xuất bổ sung ngành chăn nuôi vào danh mục cơ sở phải kiểm kê KNK.

Dự kiến, cơ sở chăn nuôi có quy mô hằng năm từ 1.000 con bò trở lên hoặc 3.000 con lợn trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Bên cạnh đó, Nghị định 06 đang quy định cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh cấp tỉnh thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê KNK cho toàn bộ các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK. Tuy nhiên, kết quả kiểm kê KNK của các cơ sở được phân bổ hạn ngạch yêu cầu phải nâng cao độ chính xác, minh bạch. Theo Bộ TN&MT, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính phải gửi Chính phủ kết quả kiểm kê KNK sau khi được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập. Do đó, quy định kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cần được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập.

Trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung, Bộ TN&MT cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chi tiết điều kiện, quy trình thực hiện để công bố đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê KNK và kết quả giảm nhẹ phát thải KNK. Đồng thời, bổ sung yêu cầu đối với đơn vị thẩm định trong Điều 14, cụ thể: “Tổ chức có năng lực thẩm định được Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu công nhận; hoặc tổ chức được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14065 về các yêu cầu đối với các tổ chức thẩm định và kiểm định khí nhà kính sử dụng trong việc công nhận hoặc các hình thức thừa nhận khác; hoặc tổ chức có kỹ thuật viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học về kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực tương ứng và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14064-3 về quy định kỹ thuật và hướng dẫn đối với thẩm định, kiểm định của các xác nhận khí nhà kính”.

Về thẩm định kết quả kiểm kê KNK và kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK của cơ sở, Luật Bảo vệ môi trường quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, tổ chức thực hiện tại điểm c khoản 4 Điều 91, không quy định về việc thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải KNK. Tuy nhiên, Nghị định 06/2022/NĐ-CP chưa quy định về việc thẩm định kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK, do đó đề xuất bổ sung quy định thẩm định kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK và không quy định thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Điều 10.

Trung Nguyên

Các tin khác