Cụ thể, đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính là cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đối tượng tham gia trao đổi tín chỉ các-bon gồm: các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; các tổ chức có chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon.
Về trao đổi hạn ngạch, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia khác nhau có quy định khác nhau nhau về các đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch tùy theo mục đích quản lý như: không hạn chế đối tượng tham gia trao đổi (Liên minh Châu Âu); chỉ cho phép các cơ sở được phân bổ hạn ngạch và một số ít các cơ quan, tổ chức thiết lập thị trường (Hàn Quốc); chỉ giới hạn các cơ cở được phân bổ hạn ngạch (Trung Quốc). Đối với Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ các-bon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính đang trong quá trình thiết lập. Vì vậy, việc quy định rõ hơn các đối tượng tham gia nhằm tăng tính ổn định cho thị trường khi đưa vào vận hành.
Các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định mới cũng bổ sung Điều 20 quy định các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ các-bon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện đo đạc – báo cáo – thẩm định (MRV) cấp lĩnh vực, cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý lĩnh vực.
Hiện nay, trên thực tế đã có nhiều giao dịch tín chỉ các-bon thông qua hình thức thỏa thuận hợp đồng hoặc bán lại trên sàn giao dịch tự nguyện quốc tế, nhưng chưa thực hiện các yêu cầu về báo cáo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Vì vậy, để quản lý thống nhất hạn ngạch và tín chỉ các-bon, các hoạt động giao dịch tín chỉ các-bon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung trong dự thảo Nghị định mới nội dung về Hệ thống đăng ký quốc gia. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống đăng ký quốc gia; ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và vận hành Hệ thống đăng ký quốc gia. Hệ thống được kết nối với Sàn giao dịch các-bon, hệ thống đăng ký của các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế.
Khánh Ly
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đề xuất sửa đổi Điều 17 về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước. Theo đó:
Giai đoạn đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành Sàn giao dịch các-bon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm Sàn giao dịch các-bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.
Giai đoạn từ năm 2028 đến hết năm 2030: Tổ chức vận hành sàn giao dịch các-bon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới; Quy định các sản phẩm tài chính dựa trên hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon được trao đổi trên Sàn giao dịch các-bon.
Giai đoạn sau năm 2030: Mở rộng đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước; Kết nối thị trường các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.