Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu nhân dịp Hội nghị COP28 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa các nhà Lãnh đạo và Quý vị đại biểu,
Tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và chúc mừng Cuba đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch Nhóm G77 năm 2023, trong đó có sáng kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm về biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu - thách thức không biên giới này, trong năm 2023 đã vượt mọi dự báo và kịch bản ứng phó. Kỷ lục về mức nhiệt trung bình toàn cầu bị phá vỡ. Biến đổi khí hậu đang khiến các nước G77 ngày càng gặp nhiều thách thức trên chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Nhằm giảm thiểu dấu chân "carbon" trên con đường phát triển, đồng thời thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tôi xin chia sẻ ba định hướng hợp tác trong G77 như sau:
Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu là thách thức không có đường biên giới nên chỉ có thể ứng phó thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương, bảo đảm không ai hay nước nào bị bỏ lại phía sau. Đây là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình, ưu tiên, bước đi phù hợp, hiệu quả; cần trách nhiệm chung nhưng tính tới điều kiện khác biệt giữa các nước; cần bảo đảm công bằng, hợp lý giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu, giữa nhu cầu phát triển và chuyển đổi xanh.
Thứ hai, cần đưa nội hàm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong G77. Đây là giải pháp đột phá, căn cốt, dẫn dắt quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ nâu sang xanh, tuần hoàn, bền vững. Các nước G77 cần phối hợp với các nước phát triển thiết lập các cơ chế hợp tác bao trùm, toàn diện, bảo đảm sự tham gia hiệu quả của tất cả các bên, phối hợp nhịp nhàng trong phát triển và ứng dụng công nghệ cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Các nước phát triển, với ưu thế về vốn và công nghệ, cần đi đầu sáng chế các sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Các nước đang phát triển, với thế mạnh về quy mô thị trường, lao động, tài nguyên đa dạng cần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng xanh, nhân rộng quá trình chuyển các mô hình, sản phẩm, năng lượng… từ nâu sang xanh và bền vững.
Thứ ba, thúc đẩy tài chính ưu đãi cho khí hậu để làm đòn bẩy, giúp mở khoá các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Các nước phát triển cần đi đầu thực hiện các cam kết tài chính cho khí hậu, trong đó có mục tiêu huy động 100 tỷ USD, tăng gấp đôi tài chính cho thích ứng năm 2025 cũng như đóng góp vào Quỹ Khí hậu Xanh và Quỹ Tổn thất và Thiệt hại. Với các nước G77, tài chính khí hậu cần dễ tiếp cận hơn, không làm gia tăng gánh nặng nợ công và không đánh đổi nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển khác. Việt Nam đánh giá rất cao vai trò dẫn dắt của Cuba trên cương vị Chủ tịch Nhóm G77 trong thúc đẩy các thoả thuận chung và ủng hộ quan điểm chung của Nhóm đối với các vấn đề này.
Thưa Quý vị,
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không chỉ và không thể là nỗ lực đơn lẻ của một quốc gia mà đòi hỏi sự chuyển biến về nhận thức, tư duy, cách làm, nhất là sự xây dựng chính sách và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của mọi chủ thể. Trong nỗ lực chung đó, Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ, quyết tâm đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết đó đã được cụ thể hóa bằng các hành động quyết liệt với các quy hoạch, chiến lược và các nhiệm vụ tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, xây dựng thể chế và đào tạo nguồn nhân lực, quản lý thông minh…
Là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hình mẫu về quan hệ đối tác Bắc – Nam trong chuyển đổi năng lượng, cũng như thúc đẩy các cơ chế hợp tác Nam - Nam và ba bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu với các nước G77.
Xin trân trọng cảm ơn./.
* Tiêu đề do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đặt
Nguồn: Chinhphu.vn