Mực nước thấp để lộ các bãi đá ở lòng sông Mekong. Ảnh: Huy Tiến/Pv TTXVN tại Thái Lan
Tham dự sự kiện gồm các quan chức chính phủ từ các quốc gia thành viên MRC (Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan), cũng như các cơ quan liên quan đến công tác năng lượng, môi trường, thủy sản, thủy lợi và các hoạt động phát triển khác liên quan đến nước. Diễn đàn còn có sự tham dự của các đối tác đối thoại của MRC là Trung Quốc và Myanmar, khu vực tư nhân bao gồm các nhà phát triển đập thủy điện và những nhà quản lý, phát triển hoặc đầu tư thủy điện theo các dự án đập dọc theo dòng chính sông Mekong và các dòng nhánh cũng như các đối tác phát triển khác của MRC. Đoàn Việt Nam do ông Trương Hồng Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mekong quốc gia Việt Nam dẫn đầu tham dự.
Trong khuôn khổ diễn đàn, dự thảo về thực trạng lưu vực sông Mekong cũng được đưa ra để các đại biểu cùng thảo luận. Một số phát hiện chính bao gồm biến đổi khí hậu góp phần thay đổi dòng chảy của sông Mekong, nhiệt độ trung bình trong vòng 50 năm tăng 1,4 độ C trên toàn lưu vực và số lượng ngày có lượng mưa lớn và vừa cũng giảm đi ở các nước.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe báo cáo hiện trạng lưu vực sông Mekong năm 2023 của Ủy hội sông Mekong quốc tế cho thấy chế độ dòng chảy của sông Mekong đã thay đổi, cao hơn mức trung bình trong mùa khô và thấp hơn mức trung bình trong mùa mưa. Dòng chảy thấp trong mùa mưa cũng đã làm giảm dòng chảy ngược ở Biển Hồ, góp phần làm tăng diện tích nhiễm mặn ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Cùng với đó, lượng trầm tích qua các trạm quan trắc của Ủy hội cũng giảm đáng kể góp phần gây mất ổn định bờ sông và xói mòn bờ biển.
Trao đổi với báo chí tại diễn đàn các bên liên quan khu vực lần thứ 13, ông Annoulak Kittkhoun, Giám đốc Điều hành Ủy hội sông Mekong quốc tế, cho biết diễn đàn này là một cơ chế thường xuyên để tiếp cận và giao tiếp với các bên liên quan, từ chính phủ, khu vực tư nhân, giới học thuật và cộng đồng và là một diễn đàn mở, nơi mọi người có thể tham dự và chia sẻ quan điểm, ý kiến cũng như mối quan tâm của mình về các vấn đề liên quan.
Ông Annoulak nhấn mạnh chế độ dòng chảy của sông Mekong không còn tự nhiên. Cụ thể là dòng chảy mùa khô cao hơn mức trung bình và trong mùa mưa dòng chảy lại thấp hơn. Điều này đem lại cả những tích cực và tiềm ẩn những tiêu cực. Ủy hội cùng với các quốc gia thành viên và Trung Quốc đang nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân và lý do của sự thay đổi để xác định các biện pháp thích ứng với những thay đổi này.
Theo các chuyên gia, không chỉ thay đổi dòng chảy, chất lượng và số lượng nước sông Mekong chảy về hạ nguồn cũng đã giảm, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và ngành nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết nếu chất lượng nước bị suy giảm sẽ tác động đến việc nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, nếu chất lượng nước suy giảm có nghĩa là nhiều khi chất lượng nước không đủ lượng phù sa để bồi đắp cho đồng bằng sông của chúng ta và từ đó nó sẽ tác động gián tiếp tới việc gây xói lở bờ sông và làm cho việc xói lở đó ngày càng trầm trọng hơn đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Được thực hiện 5 năm/lần, báo cáo cho thấy dòng chảy của sông Mekong đã thay đổi. Chất lượng nước sông Mekong giảm khiến không có đủ lượng phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng ở hạ lưu. Những tác động của biến đổi khí hậu đến sông Mekong cũng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Mặc dù lượng cá trung bình từ dữ liệu đánh bắt tăng hoặc ổn định ở hầu hết các khu vực, nhưng lại giảm đáng kể ở khu vực Thác Khone (khu vực biên giới giữa Lào và Campuchia) và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Nhằm để giải quyết những vấn đề liên quan đến lưu vực sông Mekong, ông Annoulak cho biết thách thức lớn nhất đối với các quốc gia ở lưu vực sông Mekong là ngày càng có nhiều sự phát triển. Những sự phát triển này không chỉ mang lại cho các quốc gia nhiều lợi ích mà còn gây ra những thách thức và áp lực đối với môi trường. Tác động của biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề mà các quốc gia trong lưu vực sông Mekong phải đối mặt. Để giải quyết những thách thức kể trên, Ủy ban sông Mekong quốc tế luôn khuyến khích các dự án chung và đồng quản lý các vấn đề liên quan.
Theo TTXVN