Tin tức / 
Hành trình 15 năm nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Ngày đăng: 10/05/2023
Trong suốt 15 năm qua, Cục Biến đổi khí hậu đã và đang nỗ lực xây dựng, thực hiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời, tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm cùng chung tay giải quyết các vấn đề BĐKH toàn cầu.

Nỗ lực chung tay với toàn cầu ứng phó BĐKH

Là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, trong những năm qua, công tác ứng phó với BĐKH đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có việc chỉ đạo, thực hiện các điều ước quốc tế về BĐKH mà Việt Nam tham gia là thành viên. Nỗ lực của Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế về BĐKH đã được ghi nhận tại các diễn đàn trong và ngoài nước. Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 1994; Nghị định thư Kyoto (trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH) năm 2002; Bản Sửa đổi bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto năm 2015; phê duyệt tham gia Thoả thuận Paris về BĐKH năm 2016.

Tại Hội nghị COP26 diễn ra năm 2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu. Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng được Việt Nam và các nước trong và ngoài G7 thông qua tại Vương quốc Bỉ ngày 14/12/2022.

Phát triển năng lượng tái tạo thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”

Cam kết của Việt Nam đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm cao trong ứng phó với BĐKH, mở ra cơ hội tận dụng sự dịch chuyển nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH ở Việt Nam.

Việt Nam chủ động thích ứng hiệu quả

Ở Việt Nam, tác động của BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều, bất thường và tác động tới rất nhiều lĩnh vực, khu vực khác nhau. Đối tượng bị tác động trực tiếp và chịu ảnh hưởng đáng kể là các hệ sinh thái rừng và cộng đồng. Nhiều giải pháp, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH đã được triển khai đồng bộ tại các bộ, ngành và địa phương.

Các hoạt động nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch đã được thực hiện trong hơn một thập kỷ vừa qua. Các biện pháp tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu đã được triển khai thực hiện từ những chỉ đạo, định hướng cụ thể của Đảng và Nhà nước.

Hệ thống chính sách, pháp luật về thích ứng BĐKH đang dần được hoàn thiện. Một số nội dung về thích ứng với BĐKH đã được cụ thể hóa tại Điều 90 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Cục Biến đổi khí hậu đã nghiên cứu, tham mưu xây dựng nhiều văn bản, chính sách hướng dẫn triển khai các hoạt động thích ứng tại trung ương và địa phương như Quyết định 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá tác động của BĐKH và đánh giá khí hậu quốc gia.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống cơ chế và chính sách, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án, hoạt động thích ứng với BĐKH và đã có những kết quả cụ thể trong nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên và xã hội. Công nghệ dự báo khí tượng thủy văn được phát triển, dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều mô hình sinh kế cộng đồng ứng phó với BĐKH tiêu biểu đã được thí điểm ở các địa phương trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam như: phục hồi, chăm sóc và bảo vệ rừng; nông nghiệp xanh ít phát thải; liên kết trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái; làng thông minh với khí hậu; làng sinh thái thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng; cộng đồng làng xã các-bon thấp; sản xuất tích hợp theo hướng sinh thái khép kín cho các làng nghề…

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã gia nhập Liên minh thích ứng toàn cầu (Adaptation Action Coalition - AAC), tập trung thực hiện các hoạt động thích ứng và tăng cường năng lực chống chịu BĐKH, huy động nguồn lực hỗ trợ về tài chính, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà Việt Nam đang gặp phải trong lĩnh vực thích ứng và chống chịu với BĐKH ở cấp địa phương, khu vực và toàn cầu.

Giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng “0”

Việt Nam đã thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho các lĩnh vực năng lượng, các quá trình công nghiệp (IPPU), nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp (AFOLU), chất thải. Theo báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ 3 của Việt Nam, tổng phát thải ròng khí nhà kính trong năm 2016 là 316.734,96 nghìn tấn các-bon đi-ô-xít tương đương (CO2tđ). Trong đó, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất là 65%, tiếp theo là lĩnh vực IPPU chiếm 14,6%; lĩnh vực AFOLU 13,9% và nhỏ nhất là lĩnh vực chất thải, chiếm 6,5%.

Trong Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với phát thải theo kịch bản phát triển thông thường (BAU), trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2tđ.
Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, trong đó lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2tđ. Đây cũng là những mục tiêu của lĩnh vực năng lượng đã được xác định nhằm đảm bảo hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã tuyên bố với thế giới tại COP26.

Để thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tại cấp quốc gia, ngành và địa phương. Điều này cũng nhằm cụ thể hóa các chủ trương về giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm: Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (2013); Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về đẩy mạnh chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (2019); Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (2020).

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại khoản 7 Điều 91. Nhằm cụ thể hóa các quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, Cục Biến đổi khí hậu đã tham mưu trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật như Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với BĐKH và Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT ngày 15/11/2022 quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải.

Các văn bản nêu trên đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý hướng tới đạt được các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã thiết lập theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định, Chiến lược quốc gia về BĐKH.

Tuy nhiên, nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là một quy định mới và đòi hỏi về năng lực kỹ thuật và công nghệ; nguồn lực của doanh nghiệp cho hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế; các chính sách hiện hành vẫn chưa tạo động lực đủ lớn để khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân... Đây là những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai các quy định về giảm phát thải khí nhà kính hiện nay.

Thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương chủ động tiếp cận các nguồn hỗ trợ trong và ngoài nước trong việc triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính tại các doanh nghiệp. Các hội nghị, hội thảo tập huấn về chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hoặc hỗ trợ kỹ thuật tại các địa phương, doanh nghiệp đã được Cục triển khai, đã góp phần tăng cường năng lực và nhận thức của các bên có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Thời gian tới, một số hoạt động như tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn triển khai về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các hoạt động tuyên truyền, tăng cường năng lực, nhận thức cho chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về phát thải khí nhà kính từ cấp cơ sở tới cấp quốc gia sẽ tiếp tục được thực hiện.

Tổ chức và phát triển thị trường các-bon

Việt Nam xác định thị trường các-bon là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trong hơn một thập kỷ qua, Cục Biến đổi khí hậu là cơ quan đầu mối quản lý thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được triển khai như Cơ chế phát triển sạch (CDM) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto, Cơ chế tín chỉ chung (JCM) trong khuôn khổ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản, một số cơ chế tự nguyện. Sắp tới, Việt Nam sẽ triển khai thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo quy định tại Điều 6 Thỏa thuận Paris. Đến nay, đã có gần 300 chương trình, dự án theo cơ chế CDM được Liên hợp quốc cho đăng ký và triển khai tại Việt Nam, 14 dự án theo cơ chế JCM hợp tác với Nhật Bản, gần 80 dự án theo cơ chế tự nguyện. Các dự án được tập trung vào các hoạt động hiệu quả và sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xử lý chất thải… Tổng lượng tín chỉ các-bon thu được từ các dự án theo các cơ chế ước khoảng 35 triệu tín chỉ.

Nhằm thiếp lập các cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường các-bon ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu đã tích cực phối hợp với một số tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ việc xây dựng và vận hành thị trường các-bon trong nước như: Ngân hàng Thế giới, các tổ chức thuộc Liên hợp quốc (UNEP, UNDP, UNOPS...) và một số đối tác khác. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tham mưu Bộ trình Chính phủ ban hành các quy định pháp luật về quản lý tín chỉ các-bon (bao gồm việc trao đổi kết quả giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính) nhằm tạo cơ sở pháp lý kiểm soát các hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia thực hiện chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, đảm bảo việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo NDC của Việt Nam cũng như các quốc gia hợp tác với Việt Nam.

Bảo vệ tầng ô-dôn và quản lý các khí nhà kính trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal và Công ước Vienna

Ngay từ những năm 1970, hiện tượng suy giảm tầng ô-dôn mà nguyên nhân do các hóa chất được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu đã được cảnh báo. Để bảo vệ tầng ô-dôn, năm 1985, Việt Nam đã cùng các quốc gia trên thế giới ký kết Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn trên phạm vi toàn cầu. Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra đời trong khuôn khổ Công ước Vienna.

Nội luật hóa các cam kết quốc tế nêu trên, Cục Biến đổi khí hậu với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về bảo vệ tầng ô-dôn đã tham mưu cho Bộ trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về bảo vệ tầng ô-dôn, gồm: Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 92), Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Điều 45, Điều 46); Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với BĐKH. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam: Quy định điều chỉnh các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong xuất, nhập khẩu và sản xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính; quy định thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát; xử phạt vi phạm hành chính và các mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ tầng ô-dôn; Danh mục chi tiết các chất được kiểm soát kèm theo mã hàng hóa (HS).

Các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn nêu trên có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty xuất, nhập khẩu hóa chất, thiết bị, sản xuất thiết bị, thu gom, xử lý chất thải nguy hại; ban quản lý các tòa nhà cao tầng và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Để thực thi có hiệu quả nội dung về quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về các quy định, chính sách trong nước và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia về bảo vệ tầng ô-dôn là hết sức cần thiết.

Hình thành sức mạnh tổng thể ứng phó BĐKH

Mặc dù có nhiều kết quả đã đạt được, Cục Biến đổi khí hậu xác định ứng phó với BĐKH ở Việt Nam vẫn là một vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nỗ lực của quốc gia cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Thách thức lớn nhất trong ứng phó với BĐKH hiện nay là việc huy động và duy trì sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, với quyết tâm kiên định thực hiện lộ trình, các cam kết đã đề ra. Bên cạnh đó, là một nước đang phát triển, Việt Nam cũng gặp những khó khăn nhất định về tài chính khi nguồn lực trong nước còn phải dành để đầu tư cho các lĩnh vực cấp thiết khác; khó khăn trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nguồn lực tài chính bên ngoài.
Do đó, trong thời gian tới, để ứng phó hiệu quả với BĐKH, thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra, tập trung làm tốt một số nhóm giải pháp:

Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vấn đề BĐKH cần được tiếp tục nâng cao, hình thành quyết tâm và hành động mạnh mẽ trong ứng phó với BĐKH. Mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương cần có sự quan tâm chỉ đạo, tích cực lồng ghép vấn đề ứng phó với BĐKH vào các chương trình, kế hoạch cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý để thực hiện tốt, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa hướng tới các mục tiêu ứng phó với BĐKH.
Việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH cần theo hướng đồng bộ với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Ngoài ra, ứng phó với BĐKH vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, phức tạp và liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, vì thế các cấp, các ngành, địa phương, nhất là các ngành như năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, tài nguyên và môi trường, các địa phương có tính dễ bị tổn thương cao và khu vực đồng bằng ven biển… cần tích cực tham vấn, trao đổi, phối hợp trong hoạch định và thực thi chính sách, từ đó đề ra chính sách đúng đắn và thực thi chính sách hiệu quả nhất.

Tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH nhằm tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm của các nước trong các vấn đề cụ thể, như ứng phó với nước biển dâng; quy hoạch, tái cấu trúc nền kinh tế và các ngành sản xuất hướng tới giảm phát khí nhà kính; phát triển thị trường các-bon và các hoạt động trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon mà một số nước đã thực hiện.

Tiếp tục tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về BĐKH, tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ song phương và đa phương, qua đó huy động các nguồn lực phục vụ công tác ứng phó với BĐKH.
Ứng phó hiệu quả với BĐKH, thực hiện tốt các cam kết quốc tế không chỉ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, mà còn là đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển chung của nhân loại, vì cuộc sống tốt đẹp của chúng ta và các thế hệ mai sau.

TS. Mai Kim Liên; TS. Lương Quang Huy; TS. Trần Thị Thanh Nga; Ths. Nguyễn Văn Minh