Tin tức / Tin khoa học công nghệ
NATO chú trọng ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 22/02/2021
QĐND - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang đặt ra những thách thức to lớn đối với mọi quốc gia trên thế giới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự định cụ thể hóa vấn đề này vào chương trình chung của khối.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây cho biết, NATO có thể tính đến vấn đề BĐKH trong quá trình lập kế hoạch, hướng tới giảm nhẹ BĐKH trong hoạt động của mình. Ông Stoltenberg cũng đã thảo luận với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry về tác động của BĐKH đến an ninh quốc tế. “NATO có thể đóng một vai trò lớn hơn bằng cách đưa BĐKH vào thực tiễn hoạt động, thông qua việc điều chỉnh các lực lượng vũ trang và giảm thiểu khí thải quân sự”, ông Stoltenberg nhấn mạnh trên trang Twitter cá nhân sau cuộc thảo luận trên.

Gần đây nhất, tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO vào đầu tháng 12-2020, các nước đã nhất trí rằng NATO phải mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của liên minh nhằm ứng phó với BĐKH, đại dịch trong tương lai và khủng bố. Trước đó, Tổng thư ký NATO cũng có bài viết trên tờ Die Welt của Đức vào tháng 9-2020, kêu gọi đưa BĐKH vào tất cả khía cạnh hoạt động của khối và sẵn sàng đối phó với các thảm họa liên quan đến khí hậu.

Binh sĩ NATO tham gia một hoạt động huấn luyện chung tại Estonia năm 2018. Ảnh: EUCOM

Cuộc khủng hoảng khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, khó lường và nổi lên như một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, từ năm 2011 đến 2020 là thập kỷ có nhiệt độ cao nhất được ghi nhận, với 6 năm nóng nhất đều từ sau năm 2015. Các hiện tượng khí hậu cực đoan như nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt... đồng thời kết hợp với những hiểm họa đối với sức khỏe, an ninh và ổn định kinh tế do đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng đến hàng tỷ người dân.

Với tốc độ gia tăng nhanh chóng, BĐKH không những ngày càng tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, mà còn làm trầm trọng thêm các nhân tố gây ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế. Thời gian qua, một số nghiên cứu đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa BĐKH và xung đột vũ trang. Theo tổ chức Global Humanitarian Forum, những tác động có liên quan tới khí hậu là nguyên nhân của tình trạng bạo lực ở phía Bắc Nigeria, Sudan và Kenya. Trên Tạp chí Earth’s Future, các nhà khoa học tại Đại học Miami (Mỹ) thống kê, trong thế kỷ trước, khoảng 3%-20% nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột vũ trang bắt nguồn từ những vấn đề khí hậu. Trong khi đó, Viện Brookings (Mỹ) cảnh báo, nếu thế giới không đạt tiến bộ trong các cam kết về khí hậu, BĐKH có thể dẫn đến việc gia tăng khoảng 54% nguy cơ chiến tranh tại khu vực châu Phi hạ Sahara tới năm 2030.

Từ lâu, NATO đã đề cập đến vấn đề BĐKH. Tuy nhiên, liên minh quân sự lớn nhất thế giới này trước đây chỉ nhận định rằng trách nhiệm của khối là cố gắng dự báo tác động của BĐKH đối với sự ổn định địa chính trị khu vực và thế giới. Dù vậy, thực tế chỉ ra rằng hệ lụy từ BĐKH có khả năng “châm ngòi” những cuộc xung đột mới mà các quốc gia thành viên NATO có thể bị cuốn theo. Thời gian qua, mỗi nước thành viên NATO lại có cách tiếp cận khác nhau đối với mối quan hệ giữa BĐKH và an ninh khiến liên minh khó đạt được đồng thuận. Tại Diễn đàn NATO Engages bên lề lễ kỷ niệm 70 năm thành lập khối vào năm 2019, chính Tổng thư ký Stoltenberg cũng phải thừa nhận rằng các quốc gia thành viên NATO có những lợi ích và mối quan tâm không đồng nhất về an ninh khí hậu, đồng thời kêu gọi các nước đề cao tinh thần “an ninh tập thể” của liên minh đối với vấn đề toàn cầu này.

Việc NATO gắn BĐKH với các hoạt động cụ thể sẽ góp phần phản ánh chiến lược an ninh thống nhất của khối, qua đó càng đề cao sự đoàn kết và đồng thuận, điều mà NATO đang muốn củng cố giữa các nước thành viên. Hơn hết, nỗ lực ứng phó BĐKH của NATO còn có thể giúp thế giới tránh được nhiều cuộc khủng hoảng và xung đột trong tương lai.

VĂN HIẾU

Các tin khác