Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Sơn La: Triển khai nhiều mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 08/06/2020
Trong những năm qua, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều chương trình và các hoạt động cụ thể. Trong đó giải pháp thực hiện nhiều mô hình sản xuất bước đầu đã cho thấy những kết quả tích cực.
Tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện một số công trình chống sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn tỉnh như kè suối Muội, kè suối Tấc, kè suối Nậm La, kè sông Mã, kè suối La và kè suối Dòn.

Cụ thể: Công trình chống và tiêu thoát lũ cho thành phố Sơn La gồm hệ thống hồ chứa Bản Mòng, các kè hai bên suối và hệ thống hang cát tơ đang được thi công xây dựng. Công trình tiêu thoát lũ Chiềng Ngàm Thượng, thuộc xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu. Công trình tiêu thoát lũ cho Tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong đã làm giảm hẳn tình trạng úng ngập trong khu vực. Các công trình khắc phục tình trạng úng ngập dọc QL6 từ Cò Nòi đến thị trấn Hát Lót, trên địa bàn xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, thị trấn Mộc Châu đang lập dự án thực hiện.
 

Những năm qua tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

Để đảm bảo an ninh lương thực, tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đôit khí hậu như: Mô hình trồng rau, quả sạch, sản xuất rượu của Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu; Mô hình trồng trọt của Hợp tác xã Quý Huy, Tiểu khu Ba Vì, xã Chiềng Mung, Mai Sơn; Mô hình về cây dược liệu của Hợp tác xã sản xuất, chiết xuất tinh dầu dược liệu và dịch vụ nông lâm nghiệp Mường La, xã Pi Toong, huyện Mường La..

Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng các mô hình cộng đồng sản xuất thích ứng biến đổi khi hậu, tiêu biểu là các mô hình trồng cây ăn quả (nhãn, xoài, trám, mắc ca, bơ, mận…) và cây dược liệu tại các huyện Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Sông Mã, Yên Châu... Các mô hình này đã góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân; góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất.

Công tác phát triển rừng có nhiều bước phát triển và đạt được kết quả cao. Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 30/6/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng đến năm 2015, toàn tỉnh đã xây dựng 17 dự án sử dụng vốn Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ Bảo vệ và phát triển rừng. Giai đoạn 2016-2018 đã xây dựng thêm 2 dự án đầu tư trồng và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã. Tổng số vốn đầu tư đến năm 2020 lên đến 330.496 triệu đồng, với tổng khối lượng đã thực hiện được là 23.146 ha (trong đó: trồng rừng sản xuất là 11.009 ha, trồng rừng phòng hộ là 12.136 ha). Hiện các dự án đang tiếp tục được triển khai thực hiện tại các huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh thí điểm trên địa bàn 35 xã thuộc 6 huyện gồm: Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp và Vân Hồ. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tiếp tục phối hợp với Dự án SNRM/JICA tiến hành đánh giá, giám sát kết quả triển khai thực hiện.
Yên Thư
Các tin khác