Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Kỳ vọng bộ quy tắc cho Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 13/12/2018
Hơn 22,700 đại biểu đến từ 197 quốc gia đang tập trung tại thành phố Katowice ở Ba Lan tham dự Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP24). Phóng viên Thanh Niên có mặt tại đây để đưa tin về hội nghị với sự hỗ trợ của Mạng lưới báo chí Trái đất (EJN) và Quỹ Stanley (Mỹ).

Các nước phát triển và đang phát triển đàm phán nhằm xóa bỏ bất đồng và thống nhất chương trình hành động chống biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo ghi nhận ban đầu, các chuyên gia hy vọng hội nghị sẽ thông qua bộ quy tắc nhằm thực thi Thỏa thuận Paris về hành động chống BĐKH. Thỏa thuận được thông qua vào năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020, với nội dung duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu tối đa 20C so với thời tiền công nghiệp. Theo các chuyên gia, COP24 sẽ là phép thử cho sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong việc quyết tâm đối phó với BĐKH vì lợi ích chung và phát triển bền vững.

 
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại hội nghị
 
Nhiều thách thức
Một trong các thách thức đối với Thỏa thuận Paris là vấn đề tài chính. Nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thích nghi với biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển cần nguồn vốn lớn và lâu dài.
Vào tháng 10, các quốc gia phát triển chậm như ra thông cáo chung bày tỏ khó khăn to lớn trong công tác giảm nghèo trong khi tiến tới phát triển nền kinh tế ít phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, nhiều nước như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc và Nam Phi lo ngại các nước phát triển sẽ không đảm bảo cam kết hỗ trợ 100 tỉ USD (2,33 triệu tỉ đồng) hằng năm nhằm giúp các nước đang phát triển đối phó  BĐKH đến năm 2020. Ngược lại, các nước phát triển đang kêu gọi các nước đang phát triển cần có chương trình hành động cụ thể và minh bạch trước khi họ đảm bảo về hỗ trợ tài chính.
Theo Quỹ Khí hậu xanh (GCF), các nước giàu chỉ mới hỗ trợ khoảng 55 tỉ USD vào năm 2016, bên cạnh 15 tỉ USD từ lĩnh vực tư nhân. Quỹ này cũng nhận được cam kết trị giá 16,3 tỉ USD, trong đó 4,6 tỉ USD đã được chuyển giao. Một khó khăn nữa cho cam kết hỗ trợ tài chính là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận.
 
Không còn thời gian
Trong diễn văn khai mạc COP24, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh “chúng ta đang gặp rắc rối lớn” và đề nghị các bên tập trung vào 4 vấn đề then chốt, bao gồm đẩy mạnh hành động chống BĐKH, có kế hoạch chắc chắn, cấp nhiều vốn hơn và đầu tư thông minh. “BĐKH đang là vấn đề sống còn đối với nhiều người và nhiều nước trên thế giới. Khoa học chứng minh rằng chúng ta phải hành động nhanh hơn nữa”, ông kêu gọi. Theo Tổng thư ký LHQ, đến năm 2030, thế giới cần giảm 45% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010, và xuống 0% vào năm 2050. Nếu thất bại, Bắc Cực và Nam Cực sẽ tiếp tục tan chảy, san hô lụi tàn và mực nước biển dâng cao, trong khi nhiều người sẽ thiệt mạng vì ô nhiễm không khí, nước sạch khan hiếm và chi phí đối phó thảm họa sẽ tăng vọt.
Ông Guterres nhấn mạnh rằng không còn thời gian cho “các cuộc đàm phán không giới hạn”, đồng thời nhắc lại rằng các nước cần thống nhất về bộ quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris ngay trong năm nay. Song song đó, các nước cần tập trung chống BĐKH trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, đô thị, sử dụng đất, nước và công nghiệp. Chính phủ và các nhà đầu tư cần tin tưởng vào tính hiệu quả và bền vững của nền kinh tế xanh và tăng thuế đối với các lĩnh vực phát thải khí nhà kính, ngưng trợ cấp ngành nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào công nghệ xanh, ông kêu gọi.
 
Vai trò của người trẻ
Theo thông cáo đưa ra ngày 10.12 của tổ chức Scientists Warning, thanh niên có vai trò vô cùng quan trọng đối với phòng chống BĐKH vì đây là thế hệ kết nối với rất nhiều người. Nếu không tính việc sử dụng năng lượng hóa thạch, một người tạo ra khoảng 1 tấn CO2 hằng năm qua việc thở, ăn và bài tiết. Tuy nhiên trên thực tế tính trung bình thì mỗi người tạo ra đến 20 tấn CO2 hằng năm. Do đó, thế hệ trẻ có thể tác động đến các thế hệ trước thông qua hành động chống BĐKH từ việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Scientists Warning ước tính chỉ có 5% thế giới sẽ thành công trong việc đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính do nhiều nước vẫn còn chần chừ và thậm chí có những bước đi thụt lùi.

Cục BĐKH

Các tin khác