Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Bế mạc Diễn đàn Hà Nội năm 2018 về biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 12/11/2018
Chiều 10/11/2018, Diễn đàn Hà Nội 2018 với chủ đề “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh” đã bế mạc sau 3 ngày làm việc khẩn trương, tích cực và hiệu quả của lãnh đạo/cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới.

Bế mạc Diễn đàn Hà Nội 2018

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải; Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu GS.TS Mai Trọng Nhuận; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Vũ Minh Giang; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn; Giám đốc ĐH Yonsei, Hàn Quốc Yong Hak Kim đồng chủ trì phiên bế mạc.

Trước đó, các tiểu ban chuyên môn của Diễn đàn Hà Nội 2018 đã thảo luận 5 nội dung gồm: (1) Bằng chứng về biến đối khí hậu và an ninh; (2) Tác động của con người lên biến đổi khí hậu; (3) Ứng phó với biến đổi khí hậu; (4) Chính sách và quản trị về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; (5) Khoa học, công nghệ và giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời, Diễn đàn còn có hai phiên phiên đối thoại chính sách về phát triển bền vững đô thị có tính chống chịu cao, ở đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ trì mỗi tiểu ban chuyên môn là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, nhà lập chính sách đến từ Việt Nam và quốc tế như: GS.TS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu; PGS.TS. Trần Hồng Thái - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS.TS. Diana Ürge-Vorsatz từ ĐH Trung Âu, Phó trưởng nhóm công tác III của IPCC; GS.TS. Tae Yong Jung – ĐH Yonsei, Hàn Quốc; GS.TS. Ken Fukushi – ĐH Tokyo, Nhật Bản; GS. TS. Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu;  GS.TSKH. Trương Quang Học, chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Viện tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN; GS.TS. Phan Văn Tân, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN…


Thảo luận tại Diễn đàn

Tại các tiểu ban chuyên môn, những kết quả nghiên cứu, khảo sát của các chuyên gia, nhà khoa học về biến đổi khí hậu Việt Nam và quốc tế đều cho thấy rằng con người có tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới BĐKH. Có những nghiên cứu để nhận diện một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn về BĐKH được đưa ra, cho thấy thực trạng BĐKH đang diễn ra nhanh, khốc liệt và nguy hiểm hơn so với chúng ta dự đoán.

Từ khía cạnh khoa học công nghệ, có những nghiên cứu mang tính chất đóng góp không chỉ cho Việt Nam mà còn cho nhân loại, chúng ta tiếp cận sâu sắc hệ sinh thái xã hội, làm nền tảng cho hoạch định các quy hoạch kế hoạch chống biến đổi khí hậu mà trước đó chúng ta hay dựa vào những cách tiếp cận khác.

Một điểm đáng chú ý trong nội dung thảo luận của Diễn đàn đó là chúng ta thường tách biệt thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH, nhưng thực tế cho thấy hai khía cạnh này phải luôn song hành với nhau. Nếu hiện tại chúng ta càng giảm tải được những hành động tiêu cực lên khí hậu thì tương lai, loài người sẽ bớt gách nặng thích ứng với những hậu quả gây ra.


Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của sự đoàn kết, sự quyết tâm trong hành động của toàn cầu trong cuộc chiến chống những tác động của BĐKH. Những sáng kiến khoa học không chỉ đến từ các quốc gia mà triển mà cả những nước đang phát triển và những nước nghèo đều đáng trân trọng và có những giá trị riêng.

Cần có sự hợp tác liên ngành, toàn diện trong giải quyết các vấn đề BĐKH. Nếu chúng ta có thể nâng cao nhận thức và cộng hưởng sức mạnh của tất cả các bên liên quan như chính phủ, tổ chức quốc tế, đại học, doanh nghiệp... cho đến từng người dân thì sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhận định được vai trò quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học trong việc ứng phó và thích nghi với BĐKH, nhiều nhà khoa học đưa ra ý kiến nên xây dựng mạng lưới khoa học công nghệ và giáo dục mà ở đó có sự tham gia của các đại học hàng đầu mỗi quốc gia. Các đại biểu mong rằng nếu được thành lập, ĐHQGHN sẽ là thành viên tích cực và quan trọng của mạng lưới, góp phần kết nối trí tuệ khoa học và công nghệ hiện đại phục vụ mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Tại phiên đối thoại chính sách vùng Đồng bằng sông Hồng do Phó Chủ tịch UBND tp Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng TS. Micheal Ellis từ Cục Địa chất Hoàng gia Anh chủ trì, các nhà khoa học đã thảo luận về khả năng chống chịu của khu vực này trước tác động của ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí; dễ bị ảnh hưởng do tai biến địa chất từ hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, khai thác nước ngầm, nước mặt…

Có nhiều giải pháp và khuyến nghị đề xuất các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng tiếp tục cải thiện sinh kế của người dân, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, hạn chế phát triển ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát hoạt động khai thác nước ngầm; nâng cao khả năng ứng phó, chống chịu với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển các mô hình ứng phó thông minh…

Phiên đối thoại chính sách về đồng bằng sông Cửu Long được chủ trì bởi TS. Trương Đức Trí, phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường và GS.TS. Alex Smajgl từ ĐH Deakin (Australia). Các bài trình bày tại phiên làm việc này đã nêu lên những thách thức nội tại của khu vực và thách thức từ thượng nguồn. BĐKH là nguyên nhân làm cho diện tích ngập mặn ngày càng lan rộng, sạt lở bờ biển, bờ sông, ngập úng sâu kéo dài ở những vùng trũng, bão nhiệt đới xâm nhập đến những nơi mà trước đây được cho là an toàn, ít bị thiên tai... Các hoạt động kinh tế, xã hội hiện nay làm cho ô nhiễm nước mặt và nhiễm sâu ở các hồ, ao… Tài nguyên nước đã bị suy thoái cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì thế, việc bảo tồn tài nguyên nước trong bối cảnh BĐKH là việc hết sức quan trọng.

Các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp tích cực để đương đầu với những thách thức trên như cần có sự điều chỉnh ở các hoạt động kinh tế, xã hội; các hoạt động ứng phó với BĐKH phải được triển khai ngay từ bây giờ và phải được lồng ghép với kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Nhiều kiến nghị cũng được đưa ra nhằm góp phần giải quyết tình trạng xâm nhập mặn như trồng rừng ngập mặn, các dự án ngăn chặn xâm nhập mặn, chuyển đổi cây trồng...

Phát biểu tại phiên bế mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao Diễn đàn Hà Nội 2018 đã giúp cung cấp các cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn để cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương cũng như cấp địa phương như Hà Nội xây dựng các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động tổng thể, có tính khả thi, hài hoà các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân với các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với các tác động tiêu cực của BĐKH.

Đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn về BĐKH, Giám đốc Yong Hak Kim cũng vui mừng thông báo ĐH Yonsei và ĐHQGHN đã chính thức ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác. Bên cạnh các hoạt động như trao đổi sinh viên, cán bộ, thực hiện các dự án đào tạo và nghiên cứu chung thì hai đại học sẽ triển khai hợp tác liên quan lĩnh vực phát triển bền vững.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Hà Nội 2018, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh Diễn đàn đã thành công tốt đẹp, các kết quả nghiên cứu, những thông điệp từ Diễn đàn sẽ góp nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, đề xuất chính sách, giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, giúp các quốc gia ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. ĐHQGHN mong muốn sẽ tiếp tục được ủng hộ và tiếp tục hợp tác với các đại học trên thế giới, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu các vấn đề liên quan BĐKH với mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam và toàn thế giới.

 

VNU Media

Các tin khác