Phát biểu tại hội thảo, ngài Wojciech Gerwe, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CH Ba Lan tại Việt Nam cho biết, Ba Lan đang tích cực chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị COP 24 tại thành phố Katowice. Mục tiêu quan trọng của COP 24 là chuyển hóa quy định, nội dung của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thành cơ chế chung để các quốc gia có thể thực hiện được. Giữa các quốc gia sẽ có các cuộc đối thoại để thu thập đóng góp, khuyến nghị và đưa ra chính sách hợp tác tốt hơn. Đây cũng là cơ hội tốt để lãnh đạo các nền kinh tế đưa ra hành động chung để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris.
Ngài Wojciech Gerwe, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CH Ba Lan tại Việt Nam
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), nội dung cơ bản quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris là báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đây là cam kết nỗ lực giảm phát thải KNK, thích ứng BĐKH được xây dựng phù hợp với năng lực quốc gia, nhằm đóng góp thực hiện mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2 độ C. Dù tất cả NDC của các quốc gia đã cam kết theo Thoả thuận Paris được thực hiện, nhiệt độ bề mặt trái đất vẫn tăng cao hơn khoảng 3 độ C vào cuối thế kỉ này. Như vậy, việc rà soát cập nhật NDC vừa để đáp ứng quy định của Thỏa thuận Paris vừa là yêu cầu khách quan. Thực hiện trách nhiệm này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan liên quan rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Quá trình này bắt đầu từ tháng 6/2017 đến nay và dự kiến hoàn thành trước tháng 5/2019.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT)
Cuối tháng 8/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra dự thảo đầu tiên của Báo cáo kỹ thuật NDC cập nhật. Theo đó, Việt Nam hiện cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước so với kịch bản thông thường. Mức phát thải CO2 trong kịch bản thông thường được nâng từ 787,4 triệu tấn lên 888,8 triệu tấn và năm cơ sở cập nhật là năm 2014 thay vì năm 2010 như trong Báo cáo ban đầu.
Nội dung sửa đổi chủ yếu của Báo cáo bao gồm việc điều chỉnh năm cơ sở, các mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường và bổ sung lĩnh vực mới cần tham gia vào công tác giảm thiểu được gọi là các quy trình công nghiệp bên cạnh những lĩnh vực đã được tính tới trong bản NDC trước (năng lượng, rác thải, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp (LULUCF) và nông nghiệp).
Thông tin về quá trình rà soát, cập nhật NDC, bà Chu Thanh Hương, phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Cục BĐKH) cho biết, khó khăn lớn hiện nay là nhu cầu cho phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng và ngập lụt đô thị rất lớn, tuy nhiên, nguồn lực quốc gia còn hạn chế và cần cân đối cho các mục tiêu khác nhau. Cơ cấu tổ chức của các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH còn chưa thống nhất từ trung ương đến địa phương, các cán bộ làm công tác này còn hoạt động kiêm nhiệm. Các giải pháp thích ứng với BĐKH phần lớn mới tập trung vào các giải pháp công trình; ý thức cộng đồng trong quản lý thiên tai và thích ứng với BĐKH còn hạn chế…
Trong lĩnh vực giảm nhẹ phát thải KNK, vốn đầu tư ban đầu cao trong khi thị trường công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn hạn chế; cơ chế hỗ trợ tài chính hiện có chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động giảm nhẹ. Chưa có hệ thống MRV về giảm nhẹ phát thải KNK ở cấp quốc gia và cấp ngành; thể chế, chính sách về quản lý và hỗ trợ xử lý chất thải chưa hoàn thiện…
Toàn cảnh buổi họp
Tại hội thảo, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu trong và ngoài nước đã cùng thảo luận về những cách thức khả thi, những cơ hội để NGOs hỗ trợ Chính phủ trong quá trình cập nhật và thực hiện NDC sau này; Xác định cách thức CCWG và Chính phủ có thể hợp tác trong quá trình rà soát NDC để chuẩn bị cho Hội nghị COP24; kinh nghiệm của NGO Phi-lip-pin và mạng lưới hành động khí hậu Đông Nam Á.
Theo ông Hoàng Việt, Đồng chủ tịch CCWG và là đại diện của Tổ chức WWF tại Việt Nam, các NGO cần nâng cao hơn vai trò đại diện tiếng nói của cộng đồng, đề xuất các kiến nghị đảm bảo tương lai có lợi cho tất cả mọi người và cải thiện điều kiện sống của hầu hết các nhóm dễ bị tổn thương mà không gây hại cho môi trường. Việc rà soát, cập nhật NDC phải đảm bảo quyền của những nhóm dễ bị tổn thương nhất, chia sẻ một cách bình đẳng, công bằng gánh nặng và lợi ích liên quan đến BĐKH.
Cũng theo ông Phạm Văn Tấn, lần rà soát, cập nhật này, Bộ TN&MT đã chủ động, tích cực tham vấn các bên liên quan, trong đó có các tổ chức phi chính phủ nhằm lấy ý kiến một cách toàn diện, đồng thời, đề cao trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực cao nhất đạt được cam kết chung của quốc gia.
Cục BĐKH