Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Cách giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp
Ngày đăng: 22/11/2016
Theo thông báo quốc gia về phát thải khí nhà kính của Bộ TN&MT, từ năm 1994 - 2000, phát thải nhà kính từ sản xuất nông nghiệp chiếm đến 50%.

 
Mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính ở Châu Thành (tỉnh An Giang)

Có 5 nguồn sinh ra phát thải nhà kính từ sản xuất nông nghiệp, gồm: Tiêu hóa thức ăn dạ cỏ của vật nuôi nhai lại; Phân của gia súc khi phân hủy ở trạng thái yếm khí thải ra cả mê tan, oxit nitơ; Canh tác lúa nước; Khi ruộng ngập nước ở chế độ yếm khí cũng phân giải chất hữu cơ thải ra khí mê tan; Đất nông nghiệp khi bón phân đạm bị chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác cũng phát thải khí nitơ; Đốt nương làm rẫy và đốt rơm rạ cũng phát thải khí nhà kính.

Để hạn chế phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, người dân có thể áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu vào để giảm phát thải khí nhà kính như thâm canh lúa cải tiến (SRI), “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, nông-lộ-phơi...

Theo đó, “3 giảm 3 tăng” là giúp tăng năng suất, chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời giảm thuốc trừ sâu, giống và lượng phân đạm. Trong khi đó, “1 phải 5 giảm” yêu cầu người nông dân phải sử dụng giống lúa xác nhận, giúp giảm lượng giống, lượng thuốc  bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm nước và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Đặc biêt, thực hiện thâm canh lúa cải tiến (SRI), nông dân tiết kiệm được 15,6% chi phí giống, 4,74% chi phí cho phân bón, giảm được 20 – 30% lượng nước tưới/vụ và giảm đến 37,79% chi phí thuốc bảo vệ thực vật cho 1ha diện tích đất canh tác, trong khi năng suất tăng trung bình 5,68 tạ/ha.

Việc áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu sẽ có khả năng giảm phát thải được 20 tấn CO2, tương đương 15- 20% tổng lượng dự báo phát thải khí nhà kính của lĩnh vực trồng trọt ở Việt Nam đến năm 2020.

T.Bình

Nguồn: Monre
Các tin khác