Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ứng biến của Cần Thơ trước thách thức của BĐKH
Ngày đăng: 13/07/2016
Ra nghị quyết chuyên đề với hàng loạt giải pháp, trọng tâm là phòng tránh lũ vào mùa mưa và cung cấp nước ngọt cùng với phòng chống xâm nhập mặn vào mùa khô là cách mà TP Cần Thơ chủ động ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH).

 Cần Thơ sẽ chìm trong biển nước?

Tại một cuộc Hội thảo tham vấn về các biện pháp thích ứng với BĐKH, lựa chọn các dự án ưu tiên và nghiên cứu thí điểm tại Cần Thơ mới đây, các chuyên gia dự báo thông tin: do BĐKH, khi gặp lũ lụt lớn và nước biển dâng thì 96% diện tích thành phố Cần Thơ sẽ bị ngập trầm trọng với độ ngập 0,5m vào những năm cuối thế kỷ này. Đặc biệt, những vùng ngập sâu hơn 1m có thể bao trùm đến 80% diện tích thành phố.

Còn theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, từ tháng 9 – 11 hàng năm, ở Cần Thơ ngập triều cường với độ sâu phổ biến từ 0,3 - 1,5m và thời gian ngập kéo dài từ 2 đến 6 tháng. Các khu vực ngập sâu là Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, vùng ngập triều cường kết hợp với mưa là khu vực nội ô thành phố Cần Thơ.

Việc chống lại tác động của BĐKH càng khó khăn phức tạp hơn khi mạch nước ngầm của thành phố Cần Thơ đang ngày càng bị cạn kiệt, ít được bổ cập. Chính sự khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức là một nguyên nhân gây lún tự nhiên của thành phố Cần Thơ làm cho thành phố có nguy cơ ngày càng bị ngập sâu hơn.

Ra quyết sách

Trước những cảnh báo về BĐKH tác động xấu đến thành phố Cần Thơ như vậy, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết 07 về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ biện pháp ứng phó với 2 vấn đề chính là: phòng tránh lũ vào mùa mưa và cung cấp nước ngọt cùng với phòng chống xâm nhập mặn vào mùa khô. 

 
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến Cần Thơ

Thực hiện mục tiêu trên, TP Cần Thơ sẽ tiến hành điều tra, đánh giá một cách khoa học về hiện trạng cao độ, mức độ lún tự nhiên của thành phố để xem xét lại cốt độ cao chuẩn đối với thành phố, từ đó xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt, bản đồ triều dâng, bản đồ các vùng thấp theo các kịch bản nước biển dâng đến cấp phường, xã.

Cần Thơ cũng sẽ triển khai việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường, khí tượng thủy văn phục vụ quản lý điều hành và cảnh báo thiên tai trên internet. Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ hiện đại trong công tác dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với BĐKH.

Chủ động liên kết, phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long về phòng ngừa, đối phó với tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng.

Song hành với đó, Cần Thơ đang thực hiện xây dựng hoàn thiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu dài hạn 2015 - 2030, tầm nhìn 2050. Thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cụ thể cho giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng, chuyển giao và ứng dụng các mô hình dự báo tổng thể tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội và tài nguyên, môi trường. Tiến hành áp dụng thí điểm phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố Cần Thơ.

Thu hút nguồn lực

“Trải thảm đỏ” thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ là chìa khóa để thực hiện kế hoạch ứng phó BĐKH của TP Cần Thơ. Trong đó ưu tiên số 1 là các dự án kè sông Cần Thơ nhằm chống sạt lở bờ sông, chống ngập khu vực trung tâm thành phố… Hiện, dự án kè sông Cần Thơ đang được triển khai với nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ hơn 711,4 tỉ đồng và ngân sách địa phương 843,1 tỉ đồng.

Quan tâm đến các mục tiêu ứng phó BĐKH của Cần Thơ, Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) đã thẩm định và quyết định tài trợ Dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ 20,2 triệu Euro. Ngoài ra, đại diện AFD cũng khẳng định sẽ xem xét tài trợ thêm cho dự án này về nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho biết: nhằm huy động nguồn lực thực hiện kế hoạch ứng phó với BĐKH, sắp tới thành phố sẽ xây dựng nguồn quỹ phục vụ cho công tác ứng phó BĐKH, thông qua kêu gọi, tạo môi trường pháp lý thuận lợi hợp tác, tài trợ từ các nguồn quỹ trong nước cũng như quốc tế.

“Thành phố rất mong muốn huy động được nhiều nguồn vốn, giúp thành phố triển khai các chương trình, dự án cấp bách có liên quan đến BĐKH, nếu triển khai chậm trễ sẽ gây thiệt hại lớn và khắc phục những thiệt hại này sẽ khó khăn và tốn kém”, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ.

Khánh An

Nguồn: Monre