Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Bạc Liêu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Ngày đăng: 01/09/2015
Thuộc đồng bằng Sông Cửu Long lại nằm ở vị trí ven biển, Bạc Liêu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu và các thiên tai khác như: nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới…

* Đối mặt với nhiều thách thức

Nhiều năm qua, Bạc Liêu đã gánh chịu những hậu quả nặng nề do BĐKH gây ra do nằm ở vị trí tiếp giáp với biển Đông, có hệ thống sông ngòi chằng chịt ăn sâu vào nội đồng, Địa hình của Bạc Liêu lại tương đối thấp, với cao độ phổ biến từ 0,2 - 1,3m so với mực nước biển nên rất dễ bị tác động tiêu cực từ nước biển dâng.

Khu vực nội đô TP. Bạc Liêu và các phường, xã vùng ven như: Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành, Nhà Mát và cả các huyện khu vực ven biển như: Hòa Bình, Đông Hải thường bị ngập do triều cường dâng cao hoặc khi mưa lớn.

Sở TN&MT Bạc Liêu đánh giá, BĐKH sẽ gây ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Cụ thể đối với tài nguyên nước, BĐKH thông qua vấn đề làm thay đổi lượng mưa và phân bố mưa ở các vùng sẽ kéo theo những thay đổi về dòng chảy của các dòng sông, kênh, rạch, gia tăng tần suất và cường độ lũ, hạn hán, nhiệt độ.

Vào mùa khô, kết hợp với mực nước biển dâng có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước ngọt và sự xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Cụ thể là nhiều địa phương ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A như: Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai… luôn phải ứng phó với nạn xâm nhập mặn gây hại trên lúa và thiếu nước mặn cho con tôm. Nước biển dâng còn làm cho diện tích canh tác lúa bị thu hẹp, suy giảm nghiêm trọng về sản lượng và chất lượng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Kéo theo đó là những hệ lụy mất cân bằng hệ sinh thái động, thực vật…

* Nhiều kịch bản ứng phó

Trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các địa phương trong vùng và nhận định của các chuyên gia, đưa ra nhiều kịch bản ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

Theo kịch bản thứ nhất, mực nước biển ở tỉnh Bạc Liêu có thể tăng thêm (so với thời kỳ 1980 - 1999) từ 8 - 9cm vào năm 2020, từ 26 - 30cm vào năm 2050 và đến cuối thế kỷ 21 có thể tăng thêm 79 - 99cm. Nếu nước biển dâng 30cm thì số dân trong tỉnh bị ảnh hưởng về chỗ ở khoảng 553.245 người, chiếm 74,45% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, huyện có dân số bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Hải với 143.774 người (100% dân số). Đồng thời, có khoảng 180.113ha bị ngập (chiếm 69,43% tổng diện tích tự nhiên), trong đó diện tích ngập trên 100cm chiếm đến 74.262ha (28,63% tổng diện tích tự nhiên), chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển như huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu.

Kịch bản thứ 2, nếu nước biển dâng 50cm, thì toàn tỉnh Bạc Liêu có khoảng 253.978ha bị ngập (chiếm 97,91% tổng diện tích tự nhiên). Tổng diện tích ngập nhiều nhất trong khoảng từ 20 - 50cm (107.742ha, chiếm 41,54% tổng diện tích tự nhiên). Các khu vực ngập nhiều và nặng nhất (ngập trên 100cm) thuộc các huyện Đông Hải (94,80%), TP. Bạc Liêu (93,04%) và huyện Hòa Bình (62,54%). Các khu vực ít chịu ảnh hưởng ngập trong kịch bản này là huyện Phước Long và Hồng Dân (chỉ ngập dưới 70cm).

Và kịch bản 3, khi nước biển dâng 75cm thì toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh đều ngập và nặng nhất vẫn thuộc về các huyện nằm phía Nam của tỉnh, trong đó diện tích ngập trên 100cm chiếm tỷ lệ cao nhất là 42,45%, chủ yếu tại các huyện Đông Hải (98,49%), TP. Bạc Liêu (94,29%), huyện Hòa Bình (65,75%), huyện Giá Rai (20,12%). Ở kịch bản IV, nước biển dâng 100cm vào năm 2100 thì toàn bộ diện tích đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đều bị ngập nặng, diện tích ngập trên 100cm chiếm đến 69,86% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Kịch bản chỉ mang tính dự báo nhưng những điều đang diễn ra cho thấy những dự báo hoàn toàn có thể xảy ra và mức độ có thể còn nguy hiểm hơn. Do đó, ông Lê Thanh Tòng, Trưởng phòng Tài nguyên nước - khoáng sản - khí tượng thủy văn (Sở TN &MT) đề xuất, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH về quản lý, cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách để tăng cường năng lực quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về công nghệ, Bạc Liêu cần quy hoạch hệ thống đê; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quy hoạch vùng chăn nuôi… . Đặc biệt là xây dựng phương án chắn sóng gió, triều cường, đồng thời quy hoạch trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ. Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, chú ý loại rừng thích hợp với điều kiện BĐKH và nước biển dâng trong tương lai để giảm thiểu tác động của BĐKH.  

Về bảo vệ các hệ sinh thái, Bạc Liêu tập trung bảo tồn và phát triển tại cộng đồng các giống vật nuôi, cây trồng và thủy sản bản địa thích nghi tốt với các điều kiện BĐKH; phòng tránh việc đưa vào các hệ sinh thái các sinh vật ngoại lai. Tỉnh định hướng xây dựng các khu đất ngập nước trên các vùng đất trũng, phèn, gò… không có giá trị kinh tế; nghiên cứu các phương pháp trữ nước mưa trong các ao, hồ ở các vùng nhiễm mặn, phèn để dùng cho sản xuất và sinh hoạt trong các tháng mùa khô, ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất nhằm làm giảm lượng khí thải ra, giảm nguy cơ hiệu ứng nhà kính…

Khánh An

Nguồn: Monre