Rủi ro hiện hữu
Trong vòng 10 năm trở lại đây, tại Việt Nam thời tiết cực đoan đã diễn ra với tần suất nhiều và nghiêm trọng hơn có một phần nguyên nhân do gia tăng phát thải khí nhà kính. Những biến động bất thường của thời tiết, khí hậu đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp do bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, cũng như tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến tài nguyên nước suy giảm, hạn hán ngày một tăng ở một số vùng...
Trước thực trạng trên, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cụ thể về giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, giai đoạn 2011 – 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 – 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 – 1,5% mỗi năm. Đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5% – 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 – 30% so với phương án phát triển bình thường.
Kế hoạch cụ thể
Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, chúng ta đã có nhiều hành động. Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hoàn thiện thể chế để thực hiện Các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA). Là cơ quan đầu mối quốc gia đăng ký thực hiện NAMA với Ban Thư ký Công ước Khung về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Cục Khí tượng Thủy văn đang tiến hành tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng các kịch bản cơ sở, kịch bản giảm phát thải, hình thành hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV).
Hiện có hai NAMA đã được xây dựng để đăng ký quốc tế là: Chương trình hỗ trợ phát triển điện gió ở VN và NAMA về sản xuất điện khí sinh học tại các trang trại nuôi lợn quy mô trung bình và lớn.
Trong thời gian tới, Việt Nam có kế hoạch thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo thẩm tra cấp quốc gia và cấp ngành nhằm phục vụ các yêu cầu liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, quản lý phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc xây dựng các hệ số phát thải riêng cho quốc gia.
Con số cụ thể
Giảm 137 triệu tấn CO2 khi thực hiện 253 dự án Cơ chế Phát triển sạch (CDM) là điều Việt Nam đã làm được tính đến năm 6/2014. Với 253 dự án Cơ chế Phát triển sạch (CDM); 11 Chương trình hoạt động theo CDM (PoA) được đăng ký; 10.068.987 Chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CER) được Ban chấp hành quốc tế về CDM (EB) cấp thông qua các hoạt động CDM, Việt Nam được xếp thứ 4 về số lượng dự án CDM được đăng ký và xếp thứ 11 về lượng CER được cấp.
Bên cạnh đó, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, đến nay, 28 dự án Cơ chế tín chỉ chung (JCM) đang trong quá trình nghiên cứu khả thi với tổng tiềm năng giảm phát thải ước tính khoảng 10 triệu tấn CO2. Trong đó, có 18 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, 4 dự án giao thông vận tải, 4 dự án quản lý chất thải và 3 dự án lâm nghiệp. Liên quan đến dự án trên, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán với Nhật Bản để sớm ban hành hướng dẫn thực hiện JCM tại Việt Nam.
Phương án và lộ trình cụ thể
Tuy đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, để giảm nhẹ và quản lý hiệu quả phát thải khí nhà kính, Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa. Giai đoạn sau năm 2015, Việt Nam nên chú trọng vào việc xây dựng lộ trình và phương thức tham gia giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xây dựng thị trường carbon trong nước, đẩy mạnh sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững để thực hiện hiệu quả nội dung, nhiệm vụ ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó, tại Báo cáo cập nhật lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, dựa trên các ước tính phát thải khí nhà kính đến năm 2030, Bộ TN&MT cũng đã xây dựng các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong từng lĩnh vực cụ thể, bao gồm: 6 phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào việc triển khai công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo; hai phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong nông nghiệp về ap dụng tưới khô ướt xen kẽ hoặc hệ thống canh tác lúa cải tiến và tái sử dụng phế phụ phẩm lúa làm phân ủ compost...
Phương Lan
Nguồn : monre