Bão lũ nhiều và nguy hiểm hơn
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, một trong những hiện tượng thiên tai nguy hiểm và thường xuyên nhất đối với Việt Nam là bão. Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, người dân đã chứng kiến số lượng bão, áp thấp nhiệt đới nhiều kỷ lục trong 50 năm qua. Đó là một trong những biểu hiện về thời tiết đang có những thay đổi rõ rệt. Nguyên nhân bao trùm có thể nói là do BĐKH.
Tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, thiên tai trong năm 2013 đã làm 285 người chết và mất tích; 859 người bị thương; 12.185 nhà bị đổ, sập, trôi; 893.435 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 345.802 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất, đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp... Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 28.000 tỷ đồng.
Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cũng cho thấy, nguyên nhân của hiện tượng BĐKH, 90% là do con người gây ra, 10% là do tự nhiên. Theo dự báo, đến năm 2100, nhiệt độ có thể tăng thêm 3,1 - 3,6 độ C, lượng mưa trung bình năm tăng 9 - 10%, mực nước biển có thể dâng lên 33cm năm 2050 và 100cm năm 2100. Thiên tai như: Bão, lũ lụt, xói lở đất, hạn hán, sóng thần... sẽ xảy ra với tần suất, cường độ lớn hơn, bất thường hơn.
Các chuyên gia môi trường khẳng định, BĐKH tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không nhìn thấy rõ BĐKH bởi quá trình này tiến triển dần dần, nhưng lại có tác động làm biến đổi thời tiết rất rõ rệt. Việt Nam vốn đã phải gánh chịu nhiều thiên tai, BĐKH sẽ làm thiên tai càng nhiều hơn, khắc nghiệt hơn. Trước mắt, thiên tai có thể xóa sổ những thành quả kinh tế trong nhiều năm, lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực, mùa màng, cây trồng, vật nuôi, sức khỏe con người…
Hành động ngay để giảm nhẹ tác động thiên tai
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, việc cần làm ngay từ bây giờ là thiết lập hệ thống cảnh báo thiên tai, lập kế hoạch di tản tạm thời. Về lâu dài, nên phát triển các đô thị sinh thái, đô thị xanh, ở đó có sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với môi trường tự nhiên, tiêu phí nguyên liệu ít nhất, tái chế, tái sử dụng chất thải nhiều nhất...; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, phương tiện giao thông "xanh", sản xuất công nghiệp "xanh". Không nên phát triển các đô thị lớn hiện nay thành siêu đô thị vì với mật độ xây dựng lớn, đô thị rất khó thích nghi với BĐKH và thiên tai.
Đối với các địa phương thường xuyên bị triều cường như TP.HCM, việc tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra những sự cố do thiên tai hay con người gây ra cũng là vấn đề ngày càng phức tạp đòi hỏi phải có sự thay đổi cho phù hợp, như vụ việc tìm kiếm cứu nạn vụ chìm tàu vùng biển Cần Giờ năm 2013. Những điều này đòi hỏi Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn TPHCM cần giải quyết, đó là việc phối hợp tìm kiếm cứu nạn giữa các sở, ban, ngành, quận và các đơn vị từng lúc từng nơi cần chặt chẽ và đồng bộ hơn. Các phương tiện trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đủ số lượng, công suất, công năng so với nhu cầu thực tế, nhất là thiếu các phương tiện chuyên dùng phục vụ việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên cao, công trình ngầm, cứu các công trình bị sụp đổ như thiết bị dò tìm nạn nhân, xe phá dỡ…
Ngay cả thiết bị phục vụ dự báo thời tiết còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến việc phòng tránh. Cần sớm nâng cao năng lực thông tin, dự báo thời tiết, năng lực phòng tránh, ứng phó khi xảy ra thiên tai, thảm họa. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình về phòng chống ngập úng, ngăn triều, sạt lở…
Linh Nga
Nguồn : monre