Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Biến đổi khí hậu đe doạ sức khoẻ con người
Ngày đăng: 23/04/2014
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, BĐKH kéo theo là thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở thành mối đe dọa toàn cầu trong thế kỷ 21 và tác động tới tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống đặc biệt là sức khỏe con người mà chưa có cách gì ngăn chặn

Nạn đói, bệnh tật hoành hành do thiên tai

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ở Việt Nam tình trạng BĐKH đã và đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.Tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí, ngập lụt liên tục trong thời gian qua đã làm số bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết… không ngừng tăng nhanh. Nhiều chứng bệnh thường xuyên biến chứng thành dịch lan rộng khắp cả nước. Trong hơn 10 năm qua, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền tăng dần qua các năm. Trong đó sự biến động của thời tiết có tác động rõ rệt đến sự gia tăng nguy cơ bùng phát các bệnh dịch truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và bệnh đường hô hấp…

TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết, BĐKH và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế; thông thường sau thiên tai, môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng và đây là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các vụ dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến. Mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa… là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết…).

Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, Chương trình này cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức, vì khoảng 80% dân số nông thôn Việt Nam sử dụng nước mưa, giếng khoan, giếng đào để ăn uống, sinh hoạt; những nguồn nước này lại rất dễ bị tác động ngày một khắc nghiệt của bão lũ, hạn hán, dịch bệnh. Ngoài ra, sự tàn phá của thiên tai, bão lũ, hạn hán cũng đang làm kiệt quệ nguồn nước tự nhiên của Việt Nam, làm hư hại các công trình cung cấp nước sạch, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, có thể gây ra mất ổn định an ninh xã hội. Tính tới thời điểm này, ở Việt Nam đã phát sinh 09 bệnh truyền nhiễm liên quan đến BĐKH như bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, sốt xuất huyết, sốt rét, tả, thương hàn, tiêu chảy, viêm não do virus và viêm đường hô hấp cấp tính do virus (SARS).

Cần có một hành động, chính sách cụ thể

Theo đánh giá, nhận định của các chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại hội thảo chia sẻ và lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP –RCC) đối với các chính sách khác nhau tại Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội qua cho biết, BĐKH đã trở thành một vấn đề vừa cấp thiết, vừa phổ biến đối với các quốc gia, BĐKH đang đe doạ đến cuộc sống của con người. Ngoài những tác động bất lợi về sức khoẻ, môi trường thì BĐKH còn làm cho thiên tai trở nên khốc liệt hơn, khó dự báo hơn, không theo quy luật rõ ràng và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. BHKH đã và đang gây ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Y tế. Do vậy, để giúp ngành Y tế thực hiện tốt chức năng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho công đồng thì Chính Phủ Việt Nam cần có một hành động, chính sách cụ thể nhằm cải tạo, nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị và xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Bên cạnh đó, để có thể giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra cho người dân thì việc cần phải củng cố, đầu tư phát triển hệ thống dự phòng và ứng phó sự cố trước thảm họa thiên tai là rất quan trọng. Ngoài ra, cần phải phối hợp với các ngành liên quan để nâng cao nhận thức về BĐKH không chỉ cho người dân mà còn cho chính các nhà quản lý.                                                                                       

Linh Nga - Monre

Các tin khác