Tin tức / Tin hoạt động
Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng
Ngày đăng: 13/06/2024
Ngày 12/6, tại TP. Cần Thơ, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Ngân hàng HSBC Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường năng lực, phổ biến quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và các giải pháp về chuyển dịch năng lượng” cho các doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Hội thảo nhằm triển khai nội dung tăng cường hợp tác khối công - tư nhằm hỗ trợ bổ sung kiến thức và đào tạo cho doanh nghiệp trong khuôn khổ Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam về “Chương trình hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG)”.

Phát biểu khai mạc, bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Việt Nam là thành viên tích cực trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện rõ qua việc Việt Nam đã ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, phê chuẩn UNFCCC năm 1994; ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016; rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định trong giai đoạn 2021 - 2030. Việt Nam đã tích cực đàm phán và công bố Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác trong và ngoài nhóm các nước G7.

Trong thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều chính sách, chương trình, hành động về biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai thực hiện. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã và đang được ban hành, triển khai thực hiện, là cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Về cơ bản, các khung chính sách mới về ứng phó với biến đổi khí hậu của Luật Bảo vệ môi trường có đầy đủ hành lang pháp lý để triển khai thực hiện.

Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương, doanh nghiệp, trong đó có ngành Ngân hàng trong việc đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan quản quản lý nhà nước trong nghiên cứu và triển khai giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế hướng tới phát triển bền vững và phát thải ròng bằng “0” đóng vai trò quan trọng.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin liên quan đến quy định của pháp luật về biến đổi khí hậu; hiện trạng chuyển dịch năng lượng trên thế giới cũng như ý nghĩa đối với Việt Nam; triển vọng năng lượng mới tại Việt Nam và các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ thông tin liên quan đến quy định của pháp luật về biến đổi khí hậu

Về mối quan tâm lớn của doanh nghiệp hiện nay đối với hoạt động mua bán, trao đổi tín chỉ các-bon, ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng Kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu (Cục Biến đổi khí hậu) cho biết: Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế để trao đổi trên thị trường các-bon tự nguyện quốc tế (Cơ chế Phát triển sạch CDM, Cơ chế Tiêu chuẩn vàng GS...). Đây là vốn kinh nghiệm để doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tham gia thị trường các-bon trong nước và quốc tế. Đồng thời, Chính phủ trong thời gian tới sẽ sớm tiến hành phân bổ hạn ngạch cho một số cơ sở phát thải lớn để tạo cơ sở hình thành thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Theo bà Caroline Chua, chuyên gia về lĩnh vực Chuyển dịch năng lượng và Thương mại BloombergNEF, Khu vực châu Á Thái Bình Dương, năm 2023, đầu tư vào chuyển đổi năng lượng đạt 1,8 nghỉn tỷ USD. Giao thông điện là ngành có mức chi tiêu cao nhất hiện nay với 634 tỷ USD. Doanh số xe điện vẫn tiếp tục tăng, giá pin xe điện trung bình toàn cầu sẽ giảm xuống dưới 100 USD/kWh vào năm 2027.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Ở Việt Nam, năng lượng mặt trời và gió mới cạnh tranh chi phí với các nhà máy nhiệt điện mới. Quy mô đầu tư vào công nghệ thu hồi các-bon và ngành công nghiệp sạch cũng đã bắt đầu mở rộng. Đây sẽ là thuận lợi để Việt Nam tham gia chuyển đổi năng lượng trên quy mô lớn, thực hiện các giải pháp giảm phát thải một cách đồng bộ và hiệu quả cao.

Tại hội thảo, các bên liên quan chia sẻ, cập nhật thông tin về các công nghệ, giải pháp, sáng kiến tài chính tiềm năng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon của nền kinh tế. Các đại biểu đã cùng làm rõ các cơ hội tiếp cận tài chính xanh của doanh nghiệp, với những tiềm năng chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Khánh Ly

Các tin khác