Nam Phi là quốc gia đầu tiên thông qua Tuyên bố JETP với các đối tác phát triển từ Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Liên minh Châu Âu tại COP26. Tiếp theo là Indonessia, Việt Nam và Senegal đã lần lượt tham gia JETP với Nhóm đối tác quốc tế, đã và đang xây dựng kế hoạch thực hiện.
Tại phiên thảo luận, những người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai JETP từ 4 quốc gia đã cùng chia sẻ tiến độ, thách thức thực hiện JETP ở mỗi quốc gia và định hướng hợp tác trong quá trình triển khai thực hiện.
Các đại biểu tham dự bàn tròn
Bà Joanne Yawitch, Trưởng Ban thư ký JETP của Nam Phi cho biết: Nam Phi bắt đầu xây dựng Kế hoạch đầu tư chuyển đổi năng lượng công bằng sau khi thông qua Tuyên bố chính trị JETP, và hoàn thành 1 năm sau đó vào tháng 10/2022. Kế hoạch xác định nhu cầu đầu tư 98 tỷ USD vào phát triển năng lượng sạch và hỗ trợ quá trình chuyển đổi “công bằng” trong dài hạn; đầu tư vào cơ sở hạ tầng hydro xanh và sản xuất xe điện. Nam Phi cần thêm 1 năm nữa để xây dựng kế hoạch hành động triển khai Kế hoạch đầu tư JETP.
Đại diện Ban thư ký JETP của Indonesia cho biết: Một tháng trước, Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) đã công bố Kế hoạch chính sách và đầu tư toàn diện (CIPP) thực hiện JETP của Indonesia. CIPP đưa ra nhu cầu đầu tư trị giá 97,3 tỷ USD để đạt được các mục tiêu theo Tuyên bố chính trị JETP của Indonesia. Trong đó, 66,9 tỷ USD dành cho 400 dự án cần bắt đầu muộn nhất vào năm 2030. Các dự án này sẽ đóng góp lớn trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tập trung vào loại bỏ, giảm dần các nhà máy điện than, phát triển năng lượng tái tạo theo chuỗi giá trị… Kế hoạch cũng đưa ra khung chuyển đổi năng lượng công bằng và cần nhiều nguồn lực để thực hiện.
Đại diện Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam và các thành viên IPG đã thông qua Tuyên bố JETP tháng 12/2022. Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó, 7,75 tỷ USD do Nhóm IPG cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế; trong đó có 340 triệu là nguồn hỗ trợ không hoàn lại.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ tại sự kiện
Trong năm 2023, Việt Nam đã thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là Trưởng ban; Phó Trưởng ban là Thứ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính. Sau khi được thành lập, Ban Thư ký đã cùng các đối tác quốc tế (IPG) xây dựng và hoàn thành Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP và đã được Việt Nam công bố trong khuôn khổ Hội nghị COP28.
Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP xác định 250 dự án đầu tư cần thực hiện từ nay tới 2030 và khoảng 60 dự án/nhóm dự án cần hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực thực hiện gần 200 tỷ USD tới năm 2030. Nguồn lực JETP mà IPG hỗ trợ sẽ được sử dụng cho các dự án mang tính đột phá và tạo điều kiện để huy động nguồn lực từ khối doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện chuyển đổi năng lượng. “Huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam không chỉ giới hạn trong khuôn khổ các đối tác tham gia JETP mà mở rộng cho tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, định chế tài chính trong và ngoài nước và được thực hiện theo quy định của Việt Nam” - ông Tấn nhấn mạnh.
Bà Yaye Catherine Diop, Trưởng Ban chuyển đổi năng lượng, Bộ Dầu khí và Năng lượng Senegal cho biết: Senegal bắt đầu đàm phán Tuyên bố chính trị JETP 1 năm trước với IPG, bao gồm các nước Pháp, Đức, Canada và EU. Với cam kết hỗ trợ 2,5 tỷ Đô la (phần lớn là vốn vay và 150 triệu là hỗ trợ không hoàn lại) nhằm hỗ trợ mục tiêu mới đó là năng lượng tái tạo chiếm 15,4% tổng sản lượng điện. Theo bà Yaye Catherine Diop, quá trình đàm phán JETP dễ dàng vì Senegal có kế hoạch tăng 30% năng lượng tái tạo và việc thực hiện JETP sẽ góp phần đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên sau khi ký Tuyên bố chính trị, việc huy động nguồn lực để thực hiện là không dễ dàng. Dự kiến trong tháng 6/2024 kế hoạch đầu tư JETP của Senegal sẽ hoàn tất. Các dự án sẵn có trong danh mục có thể triển khai trước khi kế hoạch được duyệt.
Các diễn giả đều cho rằng mức hỗ trợ không hoàn lại từ các đối tác quốc tế cho thực hiện JETP còn rất thấp so với nhu cầu đảm bảo yếu tố công bằng tại mỗi quốc gia. Đồng thời việc hoàn thành xây dựng kế hoạch thực hiện JETP mới chỉ là bước đầu; các quốc gia sẽ cần tiếp tục đàm phán với từng đối tác để nguồn lực thực hiện JETP chuyển vào mỗi nước được sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu JETP và đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng là công bằng. Các diễn giả cũng thống nhất giữ kênh liên lạc thường xuyên với nhau để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm triển khai JETP tại mỗi nước và tại COP29 sẽ tiếp tục chia sẻ với các quốc gia đang phát triển khác về những gì thực hiện được, thách thức cần vượt qua trong quá trình thực hiện JETP để các nước tham khảo.
8 nhóm nhiệm vụ để huy động nguồn lực thực hiện JETP
Ngày 1/12/2023 trong khuôn khổ COP28, Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy. Kế hoạch huy động nguồn lực tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ:
(1) Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng;
(2) Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch;
(3) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo;
(4) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
(5) Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng;
(6) Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải;
(7) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ;
(8) Bảo đảm công bằng. Các dự án, nhiệm vụ sẽ tiếp tục được Ban Thư ký, các Nhóm Công tác hỗ trợ triển khai thực hiện JETP cùng các đối tác tiếp tục rà soát, cập nhật và hoàn thiện.
Chu Thanh Hương (đưa tin từ Hội nghị COP28, UAE)