Thông tin được đưa ra tại cuộc họp tham vấn các Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước về Dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP (RMP), do Bộ TN&MT tổ chức ngày 15/9, tại Hà Nội.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã chủ trì cuộc họp. Tham dự có đại diện các Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước như: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Vinfast...; đại diện các tổ chức quốc tế, định chế tài chính quốc tế, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cùng các chuyên gia xây dựng Kế hoạch RMP.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại cuộc họp
Triển khai Tuyên bố JETP, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo COP26 thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP và các nhóm hỗ trợ triển khai thực hiện JETP. Ban Thư ký là tổ công tác giúp việc Thủ tướng Chính phủ trong điều phối, giải quyết các công việc liên quan đến JETP, đồng thời phối hợp với Nhóm các đối tác quốc tế trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP. Một trong những nhiệm vụ của Ban Thư ký là xây dựng và thực hiện Kế hoạch RMP phù hợp với Tuyên bố JETP để triển khai trong giai đoạn ít nhất 5 năm tới.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, gói tài chính JETP bao gồm: hỗ trợ không hoàn lại; hỗ trợ kỹ thuật; các khoản vay mà các nước, các ngân hàng phát triển đa phương, các quỹ hỗ trợ Việt Nam (bao gồm các điều khoản về lãi suất, điều kiện để vay và giải ngân...); các khoản tín dụng các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế trong Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ); các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Mức cam kết huy động ban đầu là 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới bên cạnh các nguồn hỗ trợ tài chính hiện có. Số tiền cam kết huy động cho giai đoạn sau có thể cao hơn nếu Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế.
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính quốc tế
Kế hoạch RMP sẽ được hoàn thành trước thềm Hội nghị COP 28 diễn ra vào cuối năm nay. Sau đó, Kế hoạch sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung (nếu có) trên cơ sở nhu cầu xây dựng chính sách và đầu tư của Việt Nam liên quan đến các mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng trong thời gian tới – ông Tăng Thế Cường cho biết.
Chia sẻ về các một số nội dung trọng tâm của Kế hoạch, ông Koos Neefjes đại diện nhóm xây dựng RMP cho biết, Kế hoạch huy động nguồn lực gồm có 8 chương: Giới thiệu; Mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050: nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng; Tổng quan nhu cầu đầu tư của JETP Việt Nam; Huy động tài chính; Cơ hội và thách thức chuyển đổi năng lượng “công bằng”; Kế hoạch tài chính JETP; Hành động chính sách thúc đẩy đầu tư trong chuyển đổi năng lượng; Quản trị và triển khai JETP.
Ông Koos Neefjes đại diện nhóm xây dựng RMP chia sẻ về Dự thảo kế hoạch
Trong đó, nhu cầu đầu tư của ở Việt Nam gồm nhu cầu đầu tư ban đầu về năng lượng dựa trên Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Đề án triển khai Tuyên bố JETP vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc lựa chọn chương trình, dự án ưu tiên trong khuôn khổ JETP được thực hiện thông qua 2 bước: Đánh giá phân tích đa tiêu chí và lựa chọn dự án cụ thể. Trên cơ sở danh mục các chương trình, dự án được phê duyệt thuộc NDC cập nhật, Đề án và Quy hoạch Điện 8, dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8, mỗi chương trình, dự án được đánh giá tập trung vào các yếu tố về: Giải quyết tính cấp bách của quá trình chuyển đổi; đóng góp khía cạnh “công bằng” trong quá trình chuyển đổi năng lượng; có tính chất xúc tác, khuyến khích các hoạt động đầu tư khác; có quy mô đáng kể; có tính khả thi về kỹ thuật, công nghệ; có tính khả thi về tài chính; có khả năng bổ sung cho các chương trình, dự án khác và tránh trùng lặp, chồng chéo.
Bà Eloise O’Carroll, đại diện Nhóm Đối tác quốc tế IPG phát biểu tại hội thảo
Sau đánh giá, lựa chọn sơ bộ các chương trình/dự án trong mỗi nhóm nội dung thực hiện JETP, việc lựa chọn dự án cụ thể được thực hiện trên cơ sở rà soát các nhóm chủ đề, danh mục dự án đã được xác định tại các chương trình, kế hoạch của các lĩnh vực chuyên ngành đã được phê duyệt và ban hành. Các đối tác quốc tế (IPG), các định chế tài chính, GFANZ sẽ lựa chọn các nhóm chủ đề ưu tiên đầu tư trên cơ sở rà soát và tổng hợp các nội dung ưu tiên phù hợp với Tuyên bố JETP.
Kế hoạch RMP cũng sẽ ban hành kèm theo 3 phụ lục, gồm: Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên thực hiện Tuyên bố JETP giai đoạn 2024-2030; Danh mục ý tưởng chương trình, dự án ưu tiên thực hiện Tuyên bố JETP giai đoạn 2024-2028; Danh mục các hành động chính sách ưu tiên thực hiện Tuyên bố JETP giai đoạn 2024-2028.
Tại cuộc họp, đại diện Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), các định chế tài chính, GFANZ đã chia sẻ rõ hơn về các nguồn lực tài chính hỗ trợ thực hiện JETP, đề xuất ý tưởng thực hiện JETP, góp ý về các Khung nguyên tắc/tiêu chí lựa chọn, về các hành động chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc tài trợ và thực hiện các dự án JETP. Các chuyên gia nhấn mạnh việc cần có các cơ chế rõ ràng đối với các hỗ trợ tài chính khác nhau, như các khoản vay công/khoản vay chính phủ; tài trợ tư nhân bao gồm các khoản vay và vốn cổ phần; bảo lãnh...
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phát biểu tại cuộc họp
Quan điểm của đại diện các Tập đoàn Nhà nước ủng hộ việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực và lựa chọn các dự án ưu tiên trong giai đoạn tới. Cùng với chia sẻ các ý tưởng dự án thực hiện JETP, vấn đề doanh nghiệp quan tâm là hiệu quả kinh tế đem lại và những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi triển khai các dự án theo JETP, các quy định tài chính liên quan... Bên cạnh các tiêu chí đang xây dựng, cần bổ sung thêm tiêu chí về tính lan tỏa, để dự án không chỉ dừng ở bước thí điểm, nghiên cứu mà sẽ thực sự có tác động trong dài hạn.
Trên cơ sở các ý kiến tham vấn, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch RMP, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới.
Tháng 12/2022, Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (Nhóm IPG) đã thông qua Tuyên bố JETP. Trong số 15,5 tỷ USD hỗ trợ, IPG cam kết huy động 7,75 tỷ USD với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các đối tác phát triển, các định chế tài chính, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đối với dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP.
Đến hết ngày 8/9/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được ý kiến góp ý bằng văn bản của Nhóm IPG, GFANZ và nhiều đối tác quốc tế. Về phía các cơ quan Việt Nam, đã có văn bản góp ý của các Bộ: Lao động -Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Công an, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Tháng 12/2022, Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (Nhóm IPG) đã thông qua Tuyên bố JETP. Trong số 15,5 tỷ USD hỗ trợ, IPG cam kết huy động 7,75 tỷ USD với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các đối tác phát triển, các định chế tài chính, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đối với dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP.
Đến hết ngày 8/9/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được ý kiến góp ý bằng văn bản của Nhóm IPG, GFANZ và nhiều đối tác quốc tế. Về phía các cơ quan Việt Nam, đã có văn bản góp ý của các Bộ: Lao động -Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Công an, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Khánh Ly