Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Loại trừ 80% các chất HFC vào năm 2045
Ngày đăng: 18/07/2023
Ngày 18/7, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC giai đoạn I và các chất HCFC giai đoạn III của Việt Nam.

Thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là cơ quan đầu mối quốc gia triển khai thực hiện. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được sử dụng chủ yếu trong sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch hàng xuất khẩu.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, các chất HCFC đã được quản lý, loại trừ trải qua 2 giai đoạn Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam (Dự án HPMP), do Quỹ đa phương tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới. Việt Nam sẽ tuân thủ lộ trình và dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Với xu hướng gia tăng sử dụng các chất gây hiệu ứng nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất hydrofluorocarbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế các chất HCFC - chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong nhiều lĩnh vực... Ngày 04/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về quản lý các chất HFC thuộc Nghị định thư Montreal nhằm không tăng lượng tiêu thụ và sẽ giảm lượng tiêu thụ các chất này theo lộ trình cam kết. Các chất HFC sẽ được quản lý, loại trừ từ năm 2024, không gia tăng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2024-2028 so với mức tiêu thụ trung bình (của 03 năm 2020, 2021 và 2022); giảm 10% trong giai đoạn 2029-2034; giảm 30% trong giai đoạn 2035-2039; giảm 50% trong giai đoạn 2040-2044; và giảm 80% từ năm 2045.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal của Việt Nam để trình Thủ tướng trong tháng 9/2023. Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn từ năm 2024 - 2045 là đảm bảo việc thực hiện cam kết quốc tế, đóng góp vào mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, song vẫn bảo đảm phát triển kinh tế và đề ra các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội – ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh.

Ông Ashraf El-Arini, Quản lý Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II, Ngân hàng Thế giới phát biểu tại hội thảo

Ông Ashraf El-Arini, Quản lý Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II, Ngân hàng Thế giới nhận định, lộ trình hướng tới tuân thủ các mục tiêu loại trừ HFC giai đoạn 2024-2045 sẽ giúp Việt Nam tránh phát thải 10.974 triệu tCO2tđ/năm vào năm 2045 và đóng góp vào các mục tiêu khí hậu quốc gia. Nỗ lực quản lý mức tiêu thụ HFC cũng đồng thời thúc đẩy các hành động phát triển các-bon thấp.

Tại Hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã có bài trình bày về tổng quan nghĩa vụ của Việt Nam đối với Nghị định thư Montreal và các quy định pháp lý liên quan. Đại diện Ngân hàng Thế giới và đơn vị tư vấn cũng chia sẻ báo cáo về kết quả khảo sát, thu thập, phân tích dữ liệu tiêu thụ các chất được kiểm soát tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 – 2022. Kết quả cho thấy, nhu cầu sử dụng các chất HCFC và HFC không ngừng tăng lên, đặc biệt là HFC (năm 2022 là hơn 5.600 tấn). Hiện nay, HFC đang được sử dụng trong 10 lĩnh vực khác nhau và dự báo, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng.

Đại diện đơn vị tư vấn, ông Nguyễn Tiến Hải cho biết, đối với chất HCFC, Việt Nam đã gần thực hiện xong kế hoạch quản lý, loại trừ giai đoạn I, II và từ 2025 sẽ triển khai giai đoạn III. Khi đó, Việt Nam sẽ chỉ được nhập khẩu và sử dụng 1.300 tấn HCFC. Để đáp ứng nhu sử dụng vẫn rất lớn, chúng tôi hướng tới tăng cường kiểm soát rò rỉ và thực hiện thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất HCFC, trọng tâm là lĩnh vực dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Đối với HFC, chúng tôi sẽ đề xuất lộ trình chuyển đổi sang các môi chất lạnh tự nhiên thay thế.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra những dự báo, kịch bản loại trừ các chất HFC ở Việt Nam, đề xuất kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn III nhằm đáp ứng các mục tiêu cam kết quốc tế.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội có các hoạt động liên quan đến chất được kiểm soát cũng đã thảo luận, góp ý cho Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC giai đoạn I và các chất HCFC giai đoạn III của Việt Nam. Các ý kiến sẽ được Cục Biến đổi khí hậu tiếp thu và hoàn thiện Kế hoạch trong thời gian tới.

Khánh Ly