Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, nỗ lực ứng phó với BĐKH còn có nhiều thiếu hụt, trong mỗi thời kỳ phát triển, Cục đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước với những dấu ấn quan trọng, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Có được điều đó, trong suốt 15 năm qua, Cục đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường các thời kỳ và sự phối hợp, đồng hành của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, nhân dân, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế.
Phát huy truyền thống, tạo dựng nền tảng mới
Năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhằm thống nhất và tăng cường công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn (KTTV) và BĐKH đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhờ kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang lâu đời của ngành KTTV Việt Nam, ngay sau khi được thành lập, chỉ trong một thời gian ngắn, Cục đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, củng cố và phát triển, tham mưu cho Bộ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV và tạo nền tảng cho ứng phó với BĐKH.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị COP26
Trong giai đoạn 2008 - 2013, công tác quản lý KTTV được thiết lập thống nhất từ Trung ương đến địa phương, làm gia tăng sức mạnh tổng hợp và sự bổ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp của ngành KTTV. Cục đã triển khai xây dựng Đề án Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc KTTV giai đoạn 2010 - 2012; Quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển; Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ... Luật Khí tượng thủy văn được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII.
Nền tảng cho công tác quản lý nhà nước về BĐKH từng bước được thiết lập, hoàn thiện. Chiến lược quốc gia về BĐKH và Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở, định hướng quan trọng cho công tác ứng phó với BĐKH với tầm nhìn dài hạn. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH được tổ chức triển khai trên phạm vi cả nước đã tạo được sự lan tỏa các hành động ứng phó với BĐKH ở các bộ, ngành và địa phương. Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) được triển khai từ năm 2010, thiết lập được diễn đàn lớn giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế để trao đổi, xây dựng chính sách và huy động nguồn lực quan trọng cho Việt Nam ứng phó với BĐKH.
Chương trình SP-RCC với sự tham gia của 10 bộ, ngành và nhiều đối tác quốc tế đã triển khai nhiều dự án ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh đó, Cục đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền ứng phó với BĐKH, giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư hiểu rõ hơn về nguyên nhân, tác động của BĐKH đến môi trường, sinh kế và an sinh xã hội, đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại của BĐKH và tăng cường năng lực thích ứng. Trong giai đoạn này, công tác bảo vệ tầng ô-dôn đã được đẩy mạnh, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và bước vào triển khai Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn I; tích cực tham gia Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Tăng cường hội nhập quốc tế, giải quyết thách thức trong nước
Giai đoạn 2013 - 2017 là giai đoạn đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào nỗ lực toàn cầu để giải quyết thách thức nghiêm trọng do BĐKH gây ra.
Trong giai đoạn này, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) và gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH thể hiện nỗ lực và trách nhiệm cao trong công cuộc ứng phó với BĐKH toàn cầu. Cùng với việc các bên tham gia Công ước thông qua Thỏa thuận Paris, Cục đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính (Quyết định số 2359/QĐ-TTg ngày 22/12/2015), Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 30/10/2026), Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016).
Cùng với việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, vai trò, vị thế lĩnh vực KTTV và BĐKH đã được nâng cao, phát huy được sức mạnh chung của ngành tài nguyên và môi trường. Một trong những quan điểm cốt yếu của Nghị quyết đó là “BĐKH là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21.
Ứng phó với BĐKH phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm”. Trong đó đã đề ra mục tiêu định lượng giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2020. Trên cơ sở đó, nội dung liên quan đến ứng phó với BĐKH đã được thể chế hóa trong nhiều luật chuyên ngành khác nhau. Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2014 và Luật Khí tượng thủy văn được Quốc hội thông qua năm 2015 đã tiếp tục khẳng định công tác quản lý nhà nước về KTTV và BĐKH. Các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Khí tượng thủy văn đã nhanh chóng được xây dựng và ban hành nhằm hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27
Tiếp theo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước đã giải quyết được nhiều thách thức đặt ra ở các bộ, ngành và địa phương. Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) tiếp tục được triển khai, các diễn đàn đối thoại với các nhà tài trợ được diễn ra định kỳ hằng năm. Kết thúc Chương trình, gần 400 hành động chính sách liên quan đến ứng phó với BĐKH đã được xây dựng và thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương; huy động nguồn lực hơn 1,5 tỷ USD từ các nhà tài trợ để hòa vào ngân sách Nhà nước phục vụ công tác ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.
Thông qua những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức về tính cấp thiết, sự sống còn trong ứng phó với BĐKH của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã được nâng lên rõ rệt. Ứng phó với BĐKH đã trở thành trách nhiệm của mỗi người dân, thu hút sự tham gia vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Hoạt động đàm phán quốc tế về BĐKH đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó BĐKH toàn cầu, đặc biệt là sau khi Thỏa thuận Paris về BĐKH được thông qua.
Nâng tầm quản lý nhà nước, đóng góp thực chất vào nỗ lực toàn cầu
Từ tháng 5/2017, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước, chức năng quản lý nhà nước về KTTV được chuyển về Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu được đổi tên thành Cục Biến đổi khí hậu. Với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về BĐKH, bảo vệ tầng ô-dôn; thực hiện các dịch vụ công về BĐKH, bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của pháp luật, Cục đã tạo ra những dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về BĐKH cũng như đóng góp tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có những quyết sách mang tầm chiến lược, qua đó giúp Việt Nam có nhiều đóng góp thực chất vào nỗ lực chung toàn cầu.
Theo đó, nhiều văn bản, chính sách lớn về ứng phó với BĐKH đã được ban hành, công tác quản lý nhà nước về BĐKH đã được thể chế toàn diện hơn trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Luật đã bổ sung các quy định về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; quy định rõ về kiểm kê khí nhà kính, các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; quy định lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch; cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH; Báo cáo quốc gia ứng phó với BĐKH; thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-dôn. Đặc biệt, Luật đã lần đầu tiên chế định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon như là công cụ để thúc đẩy mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện những đóng góp do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris. Trong đó, quy định rõ đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán hạn ngạch và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước; lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên.
Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, Cục đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; nguồn lực cho ứng phó với BĐKH trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; xử phạt vi phạm hành chính về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn được quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với BĐKH, Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT ngày 15/11/2022 quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải.
Để tăng cường quản lý các hoạt động thích ứng với BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020, ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/01/2022. Để tăng cường quản lý bảo vệ tầng ô-dôn, Cục đã xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13334:2021 “Xốp cách nhiệt polyuretan sử dụng chất trợ nở dễ cháy - Yêu cầu về an toàn trong sản xuất” và được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại Quyết định số 1500/QĐ-BKHCN ngày 08/6/2021.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cùng 124 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26. Việt Nam đã cùng 147 quốc gia chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ và gần 50 quốc gia đã tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; 103 quốc gia (chiếm 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu) đã tham gia Cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; 141 quốc gia với hơn 90% diện tích rừng trên thế giới đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Sau COP26, Việt Nam đã đàm phán và thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm các đối tác quốc tế, bao gồm các quốc gia thuộc Nhóm công nghiệp phát triển (G7) và các đối tác khác. Đó là những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh hội nhập của đất nước với quốc tế về BĐKH, qua đó khẳng định vị thế, mang lại cho Việt Nam những lợi ích “kép” từ cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính xanh, thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế cũng như chủ động ứng phó với BĐKH. Ứng phó với BĐKH trên toàn cầu và ở nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới với những cơ hội từ việc Việt Nam đã và đang tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu.
Triển khai thực hiện các cam kết nêu trên, Cục đã tham mưu cho Bộ để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26; phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, phê duyệt Đóng góp do quốc gia quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH. Các văn bản này được xây dựng cập nhật những xu thế mới của quốc tế và định hướng rõ các vấn đề cấp bách, ưu tiên gắn với việc thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Thông qua các hoạt động đàm phán và hợp tác quốc tế về BĐKH, nhiều đối tác, tổ chức quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và cho rằng, Việt Nam đang trở thành hình mẫu của một quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, đã và đang có những nỗ lực vượt bậc, đóng góp vào mục tiêu chung của toàn cầu.
Đến nay, hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, kế hoạch chi tiết thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cũng đã tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tuyên truyền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn năng lượng xanh; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính thực hiện theo quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH. Xã hội cũng đã nhận thức phần nào đầy đủ về BĐKH, đã có nhiều mô hình thích ứng với BĐKH được triển khai, bao gồm các mô hình thích ứng dựa vào cộng đồng, thích ứng dựa trên hệ sinh thái và các mô hình thích ứng thông minh linh hoạt, đặc biệt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể thấy, BĐKH đã trở thành một trong những trọng tâm, nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong các chủ trương, quyết sách phát triển đất nước với vai trò vừa là mục tiêu vừa là động lực dẫn dắt.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì Hội nghị đối thoại cấp cao với Chủ tịch IPCC
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các thế hệ Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình xây dựng và phát triển trong 15 năm qua đã ghi những dấu mốc quan trọng và tích cực trong lộ trình phát triển của Cục Biến đổi khí hậu. Với những nỗ lực và kết quả đạt được, Cục Biến đổi khí hậu đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường, danh hiệu điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020... Nhiều cán bộ công tác tại Cục nhận được những danh hiệu cao quý như Huân chương lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua cấp ngành…
Về dài hạn, công cuộc ứng phó với BĐKH đang có xu hướng chuyển dịch tích cực, mang lại những kỳ vọng mới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khi BĐKH vẫn còn diễn biến phức tạp, các nỗ lực ứng phó toàn cầu mới chỉ mở ra những kỳ vọng trong dài hạn, do đó vẫn cần tiếp tục chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực của BĐKH. Cục Biến đổi khí hậu đang đứng trước những cơ hội, song cũng rất nhiều thách thức, cần chủ động tham mưu tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật ứng phó với BĐKH và tham gia, đóng góp nhiều sáng kiến toàn cầu và khu vực về BĐKH để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính.
TS. Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu