Được sự ủy quyền của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường đã chủ trì cuộc họp. Tham dự có các thành viên tổ soạn thảo, là đại diện các Bộ: Giao thông vận tải; Xây dựng; Công Thương; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cùng các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; chuyên gia thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc.
Theo Cục trưởng Tăng Thế Cường, cuối năm 2022, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG) đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập JETP. Theo đó, IPG sẽ huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới. Tuyên bố xuất phát từ việc VIệt Nam là một nước tích cực, nỗ lực ứng phó BĐKH và có cam kết mạnh mẽ phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là định hướng chuyển đổi nền kinh tế theo hướng giảm phát thải các-bon.
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại cuộc họp
Sau khi thông qua Tuyên bố, Chính phủ đã có văn bản giao Bộ TN&MT xây dựng kế hoạch thực hiện JETP nhằm tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Ngày 20/2/2023, Bộ TN&MT đã có Quyết định Quyết định số 288/QĐ-BTNMT về việc thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập JETP.
Ông Tăng Thế Cường chia sẻ, Việt Nam là một trong 3 nước đầu tiên của thế giới thông qua JETP. Các nước đi trước là Indonexia, Nam Phi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai để có thể tham khảo. Bởi vậy, các thành viên tổ soạn thảo cần nghiên cứu kĩ càng để có cách tiếp cận vừa đạt được mục tiêu huy động nguồn lực, vừa phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam.
Thành viên Tổ soạn thảo góp ý tại cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ nội dung 3 dự thảo. Trong đó, dự thảo Kế hoạch Huy động nguồn lực theo JETP đặt mục tiêu đưa ra các nhu cầu đầu tư để các nhà tài trợ có thể hỗ trợ Việt Nam; đặc biệt là nhu cầu, cơ hội đầu tư mới liên quan đến năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hệ thống truyền tải điện, đóng cửa các nhà máy điện than hiệu suất thấp.
Về Ban Thư ký JETP, Ban hoạt động dưới sự chỉ đạo của cả Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế để hỗ trợ quản lý quan hệ đối tác lâu dài trong chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam; điều phối các hoạt động kỹ thuật theo hướng dẫn của các bên tham gia. Dự thảo Điều khoản tham chiếu đã đưa ra khung hoạt động và cơ cấu thành viên của Ban thư ký, có sự tham gia của đại diện quốc tế, các cơ quan Bộ, ngành liên quan.
Quang cảnh cuộc họp
Dự thảo Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập JETP được xây dựng dựa trên yêu cầu bám sát nội dung Tuyên bố chính trị thiết lập JETP; phù hợp với hệ thống pháp lý và điều kiên thực tế, tích hợp triển khai các nội dung của Kế hoạch huy động nguồn lực. Trong đó cũng phân công trách nhiệm cụ thể các Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan trong việc thực hiện theo đúng văn bản hiện hành.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đã cho trao đổi, thảo luận về những nội dung cụ thể trong các văn bản dự thảo. Trong đó, các ý kiến tập trung làm rõ trách nhiệm, mức độ tham gia của các bên liên quan trong Ban thư ký; xây dựng và phân loại các dự án theo nhu cầu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam; cách tiếp cận dự án và tài chính, huy động nguồn lực như thế nào để giảm bớt những vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Dự kiến, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền dự thảo Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập JETP trong tháng 6/2023, trình dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực trong tháng 11/2023. Sau cuộc họp, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục góp ý theo đường văn bản, email. Cục Biến đổi khí hậu sẽ tổng hợp và tiếp tục hoàn thiện các văn bản dự thảo trong thời gian tới.
Khánh Ly