Tin tức / Tin hoạt động
Tham vấn xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ HFC giai đoạn 2024 - 2028
Ngày đăng: 17/02/2023
Ngày 16/2, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC giai đoạn I của Việt Nam. Tham dự có hơn 100 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội trong các lĩnh vực có tiêu thụ HFC.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng gia tăng sử dụng các chất gây hiệu ứng nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất hydrofluorocarbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế các chất HCFC - chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, thiết bị chữa cháy...

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Ngày 4/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về quản lý các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal nhằm mục tiêu không tăng lượng tiêu thụ và tiến tới giảm dần lượng tiêu thụ các chất này. Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình loại trừ dần các chất HFC từ năm 2024, với mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024 - 2028 ở mức tiêu thụ cơ sở. Lượng tiêu thụ giảm dần ở mức 10% trong giai đoạn 2029-2034, giảm 30% trong giai đoạn 2035-2039, giảm 50% trong giai đoạn 2040-2044, và giảm 80% mức tiêu thụ cơ sở từ năm 2045. Những vấn đề này đã được đưa vào quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản liên quan.

Nhằm thực hiện lộ trình trên, thời gian vừa qua, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với WB, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các cơ quan, tổ chức và chuyên gia có liên quan xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC của Việt Nam giai đoạn I (gọi tắt là KIP I).

“Thông qua quá trình khảo sát, thu thập và phân tích số liệu, cơ quan đầu mối quốc gia, các cơ quan quản lý chuyên ngành nắm bắt được tình hình tiêu thụ HFC tại Việt Nam đến nay, dự báo xu hướng tăng trưởng về nhu cầu sử dụng, từ đó xác định các biện pháp can thiệp về cơ chế, chính sách, đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để đạt được mức giảm tiêu thụ HFC theo cam kết quốc tế; đồng thời đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế và các ngành công nghiệp, phát triển lực lượng lao động và tăng cường các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu” - ông Tăng Thế Cường cho biết.

Bà Angela Armstrong, Quản lý chương trình thực hiện Nghị định thư Montreal, Ngân hàng Thế giới phát biểu tại hội thảo

Theo bà Angela Armstrong, Quản lý chương trình thực hiện Nghị định thư Montreal (WB), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal. Thời gian tới, để loại trừ dần HFC, các cơ quan sẽ cần kết hợp nhiều giải pháp quản lý trong sử dụng hiệu quả năng lượng, sử dụng các thiết bị lạnh có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính thấp, đưa ra định mức sử dụng HFC cụ thể cho các ngành và giảm dần theo từng năm. Kèm theo đó là các công nghệ tiên tiến cần thiết, những can thiệp chính sách để Việt Nam có thể tuân thủ lộ trình.

Tại Hội thảo, đại diện WB, UNEP và đơn vị tư vấn đã chia sẻ những kết quả sau quá trình khảo sát, thu thập, phân tích dữ liệu tiêu thụ HFC và đưa ra dự báo tăng trưởng, các kịch bản loại trừ dần HFC để đảm bảo việc tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam. Dựa trên mức tiêu thụ HFC của Việt Nam theo từng lĩnh vực, các biện pháp can thiệp được đề xuất tập trung loại trừ những môi chất gây hiệu ứng nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao, các chất có sản phẩm thay thế trên thị trường và giảm dần việc sử dụng đối với những ngành có lượng tiêu thụ lớn trong tổng mức tiêu thụ của Việt Nam.

Theo tính toán, mức tiêu thụ cơ sở HFC giai đoạn 2024 - 2028 sẽ chỉ ở mức tiêu thụ cơ sở, dự tính gần 8 nghìn tấn (tương đương phát thải khoảng 14 triệu tấn CO2). Để có căn cứ thiết lập hệ thống hạn ngạch và cấp phép HFC, các cơ quan liên quan phải quản lý, kiểm soát tại biên giới, theo dõi và báo cáo thống kê thương mại (nhập khẩu/xuất khẩu) kĩ càng hơn.

Ông Pipat Poopeerasupong, Cán bộ quản lý chương trình về ô-dôn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng, một trong những thách thức là phải có thống kê theo dõi lượng xuất nhập khẩu của từng môi chất HFC riêng biệt theo quy định của Kigali, trong khi đó, không phải tất cả các hỗn hợp HFC đều có thể được kiểm tra bằng thiết bị. Cán bộ hải quan sẽ cần được đào tạo nghiệp vụ về vấn đề này và cách thức lồng ghép với cơ chế làm việc hiện hành để nâng cao năng lực kiểm soát.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp cũng đưa ra các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện bản dự thảo Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC của Việt Nam giai đoạn I. Theo ông Tăng Thế Cường, đây cũng là những nội dung quan trọng nhất của Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal mà Cục Biến đổi khí hậu đang tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 30/12/2023.

Toàn cảnh hội thảo

Khánh Ly

Các tin khác