Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn cho biết, diễn đàn này được tổ chức theo hình thức trực tiếp và truyền hình trực tuyến. Phía Việt Nam sẽ chia sẻ về thực tế các hoạt động triển khai cam kết, những nỗ lực của Việt Nam trong việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về COP 26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)… Báo cáo này đã được phê duyệt và vừa trình lên Liên Hợp Quốc.
“Có thể thấy, trong bối ảnh khủng hoảng năng lượng và phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi các nước khác đưa ra cam kết nhưng thực hiện chưa được nhiều, những nỗ lực của Việt Nam là điểm sáng tại Hội nghị lần này” – ông Tấn nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) - Phó trưởng Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP27
Chia sẻ thêm về tiến độ đàm phán về tài chính khí hậu tại COP 27, ông Tấn cho biết, đến thời điểm hiện nay, điều quan trọng nhất là các quốc gia đã thống nhất sẽ thảo luận nội dung sử dụng nguồn lực như thế nào để xử lý vấn đề tổn thất và thiệt hại, thích ứng BĐKH tại các nước đang phát triển.
Từ trước đến nay, 90% nguồn lực cho ứng phó BĐKH được dành cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chưa đến 7% cho thích ứng BĐKH. Thực tế tại những nước đang phát triển, nhu cầu thích ứng với BĐKH để tồn tại và phát triển rất cao, nhưng không có nguồn lực. Nhiều năm nay, các nước đang phát triển đã yêu cầu vấn đề nguồn lực cho thích ứng phải ngang bằng với giảm nhẹ.
Đây là chặng đường đấu tranh khá dài, bởi giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dễ dàng huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, trong khi với thích ứng BĐKH, các quốc gia thường sử dụng nguồn lực từ chính phủ hoặc hỗ trợ không hoàn lại.
Đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia trong Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP 27
Về nguồn tài chính BĐKH đến thời điểm hiện nay, tuy một số quốc gia đã đưa ra cam kết, nhưng theo Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc tổng hợp lại, thế giới mới huy động được 84,1 tỷ đô la, thấp hơn mục tiêu 100 tỷ đô la lẽ ra phải đạt được vào năm 2020. Đây là con số lớn, nhưng có khoảng 5 tỷ người nghèo trên thế giới. Trung bình mỗi người sẽ có 20 đô la Mỹ mỗi năm dành cho thích ứng BĐKH, cũng như xử lý vấn đề tổn thất, thiệt hại và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Chu Thanh Hương (lược ghi từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập)