Tin tức / Tin hoạt động
Việt Nam tiên phong chuyển đổi năng lượng
Ngày đăng: 10/11/2022
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị COP27, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò là đất nước có trách nhiệm, chung tay cùng thế giới thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH), cam kết phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Việt Nam sẽ tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính và chuyển giao công nghệ liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.

PV: Thưa Bộ trưởng, tại Hội nghị COP26 (năm 2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế nhằm đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tại COP27, chúng ta tiếp tục triển khai cam kết này ra sao?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sau Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu cam kết, nhiệm vụ dành cho các bộ, ngành, địa phương. Chiến lược xác định những mục tiêu, nhiệm vụ mà Việt Nam thực hiện bằng nội lực, cũng như các nhóm nhiệm vụ cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Đến với COP27 lần này, Đoàn công tác của Việt Nam tiếp tục cùng đại diện đến từ các nước trên thế giới trao đổi, thảo luận việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng làm sao để sử dụng được, huy động được các nguồn lực, đóng góp từ các nước phát triển; phân bổ minh bạch, cân bằng cho nhiệm vụ thích ứng BĐKH - vốn là thách thức tại các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính phải hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đây là nhiệm vụ mà Việt Nam đã xác định lộ trình thực hiện.

Cụ thể, Việt Nam sẽ cùng các Bên tham gia Công ước tiếp tục bàn thảo để các cơ chế đã được thỏa thuận đi vào triển khai trên thực tế, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, các nước nhấn mạnh việc sử dụng nguồn lực của các nước đang phát triển để thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên cho thích ứng; đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ như vấn đề liên quan đến tổn thất và thiệt hại, phát triển rừng, hệ thống cảnh báo sớm...

Đồng thời, các Bên cũng sẽ đưa ra các sáng kiến mới, cơ chế chính sách mới giữa khối Chính phủ với các thể chế tài chính công và tư, khối các doanh nghiệp, các nhà khoa học để thực hiện được lộ trình chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo một cách chắc chắn. Việt Nam có thể tận dụng thời cơ này để đảm bảo các vấn đề công bằng, công lý khi tiếp nhận chuyển giao công nghệ, giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh do tác động của quá trình chuyển đổi. Quá trình này cũng cần đáp ứng nguyên tắc của Thỏa thuận Paris về trách nhiệm chung nhưng có phân biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Tại COP27, Đoàn công tác cũng sẽ tiếp tục xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam cam kết có trách nhiệm, tiên phong chuyển đổi năng lượng cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đây là nhiệm vụ vừa mang xu thế thời đại nhưng cũng hết sức cần thiết với Việt Nam trong chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế - xã hội.

Đoàn công tác sẽ triển khai rất nhiều hoạt động song phương của Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đa phương của Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan đến chuyển đổi năng lượng; tiếp xúc với các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác. Qua đó, huy động nguồn lực và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác phát triển. Việt Nam cũng sẽ tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, sáng kiến liên quan đến chuyển giao công nghệ.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27

PV: Những ngày đầu tiên của kỳ họp đã trôi qua, Bộ trưởng có ấn tượng nhất với điều gì của quốc tế đối với Việt Nam?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có thể nói, COP27 là kỳ họp rất khác so với các hội nghị trước đây. Thay vì Đoàn công tác Việt Nam lên kế hoạch để gặp gỡ được nhiều đối tác, năm nay, các đối tác phát triển, đối tác quốc tế đã hết sức chủ động đưa ra kế hoạch gặp gỡ phía Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để chúng ta tiếp xúc với rất nhiều tổ chức quốc tế hàng đầu và đề cập đến những vấn đề của riêng mình.

Cụ thể, trong Hội nghị của một Liên minh tài chính cho BĐKH, nhiều thiết chế, ngân hàng lớn trên thế giới cùng với các đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế về môi trường, BĐKH đã cùng bàn về cơ chế chính sách tài chính, chính sách huy động tài chính, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội nghị COP27, Đoàn công tác sẽ cùng trao đổi với đồng nghiệp từ các nước G7 và G7+ để bàn về chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý cho Việt Nam. Trong đó, nội dung đề cập đến việc làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội về tài chính, ưu đãi, chuyển giao công nghệ, huy động được các nhà đầu tư có năng lực trong lĩnh vực này.

Đây cũng là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho đoàn công tác. Chúng ta phải sớm tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ này để xây dựng các trung tâm công nghiệp, năng lượng tái tạo lớn tại Việt Nam. Không chỉ vấn đề sản xuất năng lượng mà cần tạo ra ngành công nghiệp phụ trợ đi kèm, giúp Việt Nam có cơ hội huy động nguồn lực cho mô hình tăng trưởng mới sắp tới.

PV: Tham dự COP27 lần này, Việt Nam đưa ra đề nghị, kiến nghị gì để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việt Nam có vùng biển trải dài với nguồn năng lượng gió rất lớn, còn trong đất liền là điện mặt trời. Tận dụng nguồn tài nguyên này, phục vụ nhu cầu trong nước là một phần. Trong tương lai, Việt Nam sẽ thành một nước xuất khẩu năng lượng cho khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương.

Với mỗi kịch bản hỗ trợ khác nhau, sẽ có mục tiêu cam kết khác nhau. Trong khuôn khổ những vấn đề Việt Nam đang rất cần sự hỗ trợ quốc tế. Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán để các Bên đưa ra được những cam kết cụ thể. Tuy nhiên, các điều kiện hỗ trợ càng chi tiết hơn sẽ đảm bảo tính hiệu quả cao hơn như: Hỗ trợ  các vấn đề về cơ cấu nguồn vốn, chính sách ưu đãi của mỗi nguồn vốn; Hỗ trợ về kỹ thuật để sớm đánh giá được tổng thể tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam. Đây là cơ sở để đưa ra quy hoạch năng lượng mang tính chất tổng thể, bao gồm nguồn điện tái tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ, hệ thống hạ tầng truyền tải điện thông minh, sản xuất hydro xanh, amoniac xanh, quá trình vận chuyển bảo quản nhiên liệu... và phát huy được tiềm năng thế mạnh về năng lượng tái tạo.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 Chu Thanh Hương (lược ghi từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập)

Các tin khác