GEAPP lần đầu tiên ra mắt tại Hội nghị COP26, nhằm thúc đẩy đầu tư vào chuyển đổi năng lượng xanh và các giải pháp năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trên toàn thế giới. Thời gian qua, GEAPP cũng đã có các cuộc thảo luận với Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác với Nam Phi và Indonesia liên quan đến chuyển đổi năng lượng, nhất là kinh nghiệm đàm phán và thực hiện Cơ chế Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác G7 (trường hợp của Nam Phi).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, Việt Nam cam kết sẽ chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan và có nhiều vấn đề về công nghệ. Đây cũng là vấn đề chung của tất cả các nước bao gồm G7 và các nước phát triển khác. Cần có có cơ chế để các nước phát triển chuyển giao công nghệ cho các nước khác trên cơ sở Thỏa thuận Paris và Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với ông Simon Harford, CEO của Liên minh Năng lượng vì hành tinh và con người (GEAPP)
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo cần phải làm ngay. Trong quá trình đàm phán JETP, phía Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng càng nhanh càng tốt. Thỏa thuận cần giúp xóa bỏ rào cản về công nghệ thông qua hợp tác nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Việc Nam có lộ trình để công nghệ phát triển, với chi phí phù hợp với mức sống của hầu hết người dân Việt Nam. Những kinh nghiệm GEAPP đã hợp tác và hỗ trợ Nam Phi sẽ giúp ích cho Việt Nam trong quá trình trao đổi, đàm phán về kế hoạch huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng tới đây.
Khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, ông Simon Harford cho biết, GEAPP sẽ có nguồn kinh phí để phía Việt Nam đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất; các chuyên gia kỹ thuật phù hợp với yêu cầu JETP và các vấn đề khác như công nghệ. Chúng ta không thể tiến ngay, có sự thay đổi ngay mà phụ thuộc rất nhiều vào Chính phủ và các vấn đề khác nhau. Để thúc đẩy quá trình đàm phán của Việt Nam, có thể thành lập Ban Thư ký để kết nối Việt Nam với các nước đã có kinh nghiệm. Công việc này liên quan đến nhiều Bộ, ngành và cần có sự thống nhất từ Chính phủ. GEAPP sẵn sàng hợp tác và chia sẻ, hỗ trợ biến các ý tưởng thành hành động để Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến trình thực hiện các cam kết tại COP 26.
Lãnh đạo GEAPP và Quỹ Bezos Earth khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán và thực hiện Cơ chế Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng
Theo ông Andrew Steer, muốn cụ thể hóa các nội dung hợp tác, Việt Nam cần làm rõ những nơi nào cần phân bổ nguồn lực để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, sử dụng công nghệ ra sao để từ đó phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu hydro xanh, ammoniac như thế nào và có điểm sáng thực tiễn.
GEAPP cũng có kinh nghiệm trong việc tính toán, xây dựng phương pháp luận để quy đổi lượng phát thải khí nhà kính từ việc ngừng các dự án nhiệt điện than và chuyển thành tín chỉ các-bon. Từ đó, huy động thêm nguồn lực cho quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như giảm phát thải khí nhà kính. GEAPP và Quỹ Bezos Earth là bên tài trợ và sẵn sàng cung cấp nguồn tài nguyên, nhằm đảm bảo thị trường các-bon có thể có nguồn lực từ JETP ngay từ năm 2023.
Dự kiến, sau Hội nghị COP 27, GEAPP sẽ tiếp tục trao đổi với Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) để xây dựng Văn kiện hợp tác phù hợp với yêu cầu mới, hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng, đồng thời đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.
Trong thập kỷ tới, GEAPP đặt mục tiêu huy động 100 tỷ USD vốn từ khu vực công và tư nhân; đồng thời, sẽ giải quyết 3 vấn đề: Năng lượng - giúp 1 tỷ người được tiếp cận với năng lượng tái tạo đáng tin cậy; Khí hậu - tránh và ngăn ngừa phát thải 4 tỷ tấn khí thải các-bon; Việc làm - xây dựng cơ hội tiếp cận bằng cách tạo, tạo điều kiện hoặc cải thiện 150 triệu việc làm.
Các tổ chức từ thiện tham gia sáng lập GEAPP gồm: Quỹ Rockefeller, Quỹ IKEA và Quỹ Trái đất Bezos. Ở châu Á, GEAPP đã hợp tác với Indonesia để hỗ trợ cho quá trình trao đổi và đàm phán về Tuyên bố chính trị và thực hiện JETP.
Chu Thanh Hương (đưa tin từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập)