Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ TNMT (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 5/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (5/8/2002-5/8/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, một lòng đoàn kết vượt qua khó khăn, "bộ đa ngành" đầu tiên của Việt Nam đã làm nên nhiều kỳ tích, khẳng định vị trí vai trò là cơ quan đầu mối quan trọng trong hệ thống các cơ quan thuộc Chính phủ.
“Ra đời” gần như cùng thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện thống nhất quản lý tổng hợp các tài nguyên, nguồn lực quý giá của quốc gia, không gian sinh tồn và môi trường sống của các thế hệ, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Ngay từ khi mới thành lập, trong một thời gian ngắn trên cơ sở kế thừa và phát huy bề dày truyền thống của những lĩnh vực tiền thân như đất đai, khoáng sản, khí tượng thủy văn,… bộ đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy; củng cố, phát triển nền tảng quản lý đa ngành từ trung ương đến địa phương.
Trong giai đoạn đất nước phải đương đầu với khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng bước thực hiện chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa để phát huy nguồn lực tài nguyên, tạo thêm xung lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
“Nhờ đó, các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược được hoàn thiện, đưa tài nguyên và môi trường trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Đi cùng với phát triển, các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường cũng luôn được Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng gắn với phát triển kinh tế-xã hội; lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình dự án. Cũng chính từ thời điểm này, mô hình phát triển bền vững đã được quan tâm, thúc đẩy, làm tiền đề cho con đường phát triển tiếp theo của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan triển lãm tại lễ kỷ niệm (Nguồn ảnh: HV/Vietnam+)
Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên, Việt Nam có Luật Đa dạng sinh học, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu với các quan điểm mới tiếp thu từ quốc tế, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước về phát triển bền vững, sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái; ứng phó kịp thời với tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, đánh dấu bước hội nhập mới của Việt Nam với quốc tế,…
Đặc biệt, khi thế giới bước vào thời kỳ tăng cường ứng phó với thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21 là biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, Việt Nam cũng đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” (sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, phát thải thấp), phát triển bền vững kinh tế biển.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, góp phần thúc đẩy việc chủ động hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại COP21 và đưa ra cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...
Đây là những điểm nhấn trong bức tranh hội nhập của đất nước với quốc tế về môi trường và khí hậu; qua đó khẳng định vị thế và mang lại cho Việt Nam những lợi ích “kép” từ tiếp cận công nghệ, tài chính xanh, thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên...
Với những đóng góp quan trọng trong suốt 20 hình thành và phát triển, tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Tài nguyên và Môi trường; trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Cũng tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; các bộ, ngành thực hiện nghi thức phát động mục tiêu phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Hùng Võ (Vietnam+)