Tham dự buổi làm việc, ông Robert Lederer, Tổng giám đốc điều hành của Liên minh Doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm; ông Thorsten Metz, Giám đốc dự án toàn cầu GIZ-IGS, về phía Cục Biến đổi khí hậu có ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng cùng các thành viên khác.
Các bên cùng nhìn nhận tính cấp thiết của hành động vì khí hậu tại các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam trong hỗ trợ thực hiện nỗ lực quốc gia và nỗ lực của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc hợp tác và đồng bộ hóa thông điệp cam kết và mục tiêu, công cụ và phương pháp là mấu chốt để xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình đào tạo và tư vấn cho doanh nghiệp trong lộ trình hành động vì khí hậu.
Quang cảnh buổi làm việc
Dự án GIZ FABRIC hợp tác với Chương trình hành động vì khí hậu của ngành công nghiệp thời trang, cùng với 10 nhãn hàng thời trang đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo hành động vì khí hậu cho doanh nghiệp dệt may, da giày trên toàn cầu. Việt Nam là quốc gia điểm sáng trong chương trình với sự tham gia sâu rộng của các nhãn hàng và chuỗi cung ứng. Dự tính đến cuối năm 2022, sẽ có hơn 100 nhà máy hoàn thành chương trình, sẵn sàng thực hiện các quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô-dôn, Quyết định số 01/2022/QĐ-CP ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cũng như yêu cầu của nhãn hàng trong việc kiểm kê, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.... Các cán bộ quản lý năng lượng của nhà máy được trang bị kiến thức về hiệu quả năng lượng đặc thù cho ngành dệt may cũng như kiến thức về năng lượng tái tạo. Những kết quả tích cực của chương trình hành động vì khí hậu của ngành thời trang đặt cơ sở dự án mở rộng hoạt động này cho chuỗi cung ứng ngành điện tử.
Ông Robert Lederer nhấn mạnh: “Các công ty thành viên của RBA trong vài năm gần đây đặt chương trình hành động vì môi trường lên mức cao nhất. Các công ty điện tử hàng đầu thế giới cần thúc đẩy hoạt động kiểm kê khí nhà kính tại các nhà máy trong chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu luật pháp về báo cáo chính xác phát thải”. RBA đặt mục tiêu có nền tảng cơ bản để thực hiện yêu cầu này vào cuối năm 2022.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Do vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, Việt nam đứng thứ 4 toàn cầu trong danh sách được RBA thẩm định (sau Trung quốc, Malaysia và Mexico) và rất có thể sẽ là một trong những quốc gia triển khai chương trình sớm nhất. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác giữa RBA và GIZ IGS và mong đợi sự ủng hộ của Cục Biến đổi khí hậu là then chốt trong việc đồng bộ hóa phương pháp, tiếp cận triển khai hiệu quả tới doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn đánh giá cao hành động nhanh, thiết thực, phù hợp chính sách của GIZ FABRIC, IGS cũng như khuyến khích quan hệ đối tác công tư để triển khai hoạt động về ứng phó với BĐKH. Các hành động cụ thể này đóng góp trực tiếp vào chương trình hành động của Việt nam cũng như đưa doanh nghiệp Việt nam đạt chuẩn quốc tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu về phương diện hành động vì khí hậu.
GIZ IGS: Sáng kiến liên kết toàn cầu (IGS) hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về thẩm định chuỗi cung ứng, vì chuỗi cung ứng công bằng, xanh và có khả năng chống chịu tốt
RBA là Liên minh Doanh Nghiệp Kinh doanh có Trách nhiệm. Liên minh Doanh nghiệp có trách nhiệm (Responsible Business Alliance – gọi tắt là RBA) là liên minh công nghiệp lớn nhất trên thế giới về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khởi đầu với 8 thành viên vào năm 2024, tới nay Liên minh đã có hơn 150 công ty thành viên từ các ngành công nghiệp điện tử, bán lẻ, sản xuất ô tô và đồ chơi, với hơn 6 triệu nhân viên và tổng doanh thu hàng năm hơn 5 nghìn tỉ USD. Ngoài ra, hàng ngàn nhà cung ứng cấp 1 (tier 1) của các thành viên RBA nói trên đều được yêu cầu thực hiện Quy tắc ứng xử của RBA. Hơn 3,5 triệu lao động từ hơn 120 quốc gia đóng góp vào sản xuất các sản phẩm cho các thành viên trong Liên minh. Hoạt động của Liên minh tập trung vào cải thiện điều kiện xã hội, môi trường và đạo đức trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Liên minh Doanh nghiệp có trách nhiệm có Quy tắc ứng xử và các chương trình, hoạt động đào tạo, công cụ đánh giá nhằm hỗ trợ cải tiến liên tục nêu trên. RBA và các sáng kiến chính như: Sáng kiến Khoáng sản có trách nhiệm (Responsible Minerals Initiative), Sáng kiến Lao động có trách nhiệm (Responsible Labour Initative), và Sáng kiến Nhà máy có trách nhiệm (Responsible Factory Initiative) có tổng cộng gần 400 thành viên với doanh thu hàng năm hơn 7,7 nghìn tỉ USD và trực tiếp sử dụng 21,5 triệu lao động, cùng các sản phẩm được sản xuất từ hơn 120 quốc gia. RBA với sứ mệnh “Các thành viên, nhà cung cấp và các bên liên quan hợp tác để cải thiện điều kiện làm việc cũng như môi trường thông qua các tiêu chuẩn và thực hành tốt nhất”.
Chu Thanh Hương