Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo và Bà Julie Monaco tại cuộc họp
Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bà Julie Monaco, Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Citi trao cho nhau trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo tại cuộc làm việc của Thủ tướng cùng đoàn công tác tại Hoa Kỳ sáng ngày 11/5/2022. Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác này là tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển và hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“Citi sẽ thúc đẩy trao đổi thường xuyên giữa khu vực tư nhân Hoa Kỳ với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và các cơ quan liên quan về các chủ đề ESG, đặc biệt hỗ trợ cam kết hành động vì khí hậu của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC),” ông Ramachandran A.S., Tổng Giám đốc Citi Việt Nam cho biết.
Đầu năm 2021, Citi đã công bố cam kết trị giá một nghìn tỷ USD trên toàn cầu về tài chính bền vững, bao gồm mục tiêu 500 tỷ USD cho tài chính môi trường, khí hậu và 500 tỷ USD cho tài chính xã hội, phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Trong năm 2020 và 2021, Citi đã tài trợ và tạo điều kiện cho 222 tỷ USD hoạt động tài chính bền vững trên toàn cầu, giúp ngân hàng đi đúng định hướng để hoàn thành cam kết một nghìn tỷ USD vào năm 2030.
“Chúng tôi muốn hợp tác với Citi trong việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn và danh mục các dự án thúc đẩy quá trình chuyển đổi theo hướng kinh tế carbon thấp. Chúng tôi cũng mong muốn Citi tham gia hỗ trợ nguồn lực tài chính để triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và dự án năng lượng carbon thấp tại Việt Nam”, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ trong buổi làm việc với Tổng giám đốc Citi tại Việt Nam đầu tháng 1 vừa qua.
Đầu năm nay, Citi đã công bố kế hoạch và nỗ lực triển khai các dự án hỗ trợ tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực đến môi trường nhằm đạt được mục tiêu chung Không phát thải CO2 vào năm 2050. Kế hoạch này đề ra các nguyên tắc chuyển đổi để hướng tới giảm thiểu tối đa phát thải ròng của Citi, hướng dẫn quá trình chuyển đổi diễn ra một cách có trật tự và trách nhiệm nhằm giảm thiểu những đứt gãy, gián đoạn kinh tế đồng thời góp phần mở rộng mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2021, Citi cũng đồng sáng lập Liên minh Ngân hàng hướng tới phát thải bằng không, với mục tiêu thiết lập một khuôn khổ phi carbon hoá trong ngành công nghiệp ngân hàng.
Citi gần đây đã trở thành một trong những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực ESG tại Việt Nam. Ngân hàng đã tài trợ cho việc nhập khẩu các tua-bin điện gió và cũng đang làm việc với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để hỗ trợ cho việc thu mua cà phê trồng theo phương pháp thân thiện môi trường, thân thiện khí hậu từ các đại lý và nông dân Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Biên bản ghi nhớ cũng sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm phát triển thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, vốn đầu tư hỗn hợp và đa dạng sinh học, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực.
“Tài chính đóng một vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Citi có thể đóng góp và hỗ trợ bằng cách giúp khách hàng của chúng tôi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ năng lượng sạch. Citi mong muốn trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế carbon thấp, hợp tác với khách hàng để đạt được những mục tiêu bền vững của họ”, ông Ramachandran cho biết.
Cục Biến đổi khí hậu