Tham dự có ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Giám đốc Dự án; bà Noriko Yamada, Cố vấn cấp cao, Văn phòng Biến đổi khí hậu (JICA); Ông Masato Kawanishi, Cố vấn cấp cao, Vụ Môi trường toàn cầu (JICA); ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông vận tải); ông Phạm hoàng Hải, Trưởng ban thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện một số Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp.
Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (SPI-NDC) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ; Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, VCCI và một số địa phương xây dựng và thực hiện. Trong thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2024, dự án sẽ tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cam kết trong NDC của các Bộ, ngành tham gia thực hiện NDC; tăng cường thực hiện hiệu quả chính sách huy động dự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện NDC thông qua VCCI.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Giám đốc Dự án phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ về kết quả thực hiện dự án trong năm 2021, ông Nguyễn Tuấn Quang, Giám đốc Dự án cho biết: Vừa qua, dự án đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất khung giám sát và đánh giá cho các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK quốc gia đối với lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải. Đồng thời, xây dựng phương thức hoạt động cho cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK quốc gia cho các Bộ tham gia thực hiện NDC của Việt Nam.
Dự án cũng đã rà soát, đánh giá hệ thống kiểm kê KNK quốc gia, yêu cầu dữ liệu và đề xuất các biện pháp hoàn thiện hệ thống lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải. Bên cạnh đó, hỗ trợ lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và xây dựng các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK của khối tư nhân thông qua xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển bền vững (CSI) cho VCCI.
Ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng Dự án SPI-NDC phát biểu tại hội thảo
Riêng lĩnh vực giao thông vận tải đã có nghiên cứu đường cơ sở về phát thải KNK, các biện pháp giảm nhẹ phát thải tiềm năng, hệ thống MRV và thu thập, đánh giá các công nghệ các-bon thấp. Ngoài ra, dự án đã bước đầu khảo sát, đánh giá các biện pháp khuyến khích tạo điều kiện cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong giảm nhẹ phát thải KNK.
Theo ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng Dự án SPI-NDC, dự án có cách tiếp cận bám sát thực tiễn, tập trung vào việc đặt nền tảng cho sự minh bạch, thúc đẩy hợp tác giữa các Bộ và tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu về lâu dài.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hiện nay, NDC không còn là một chủ đề riêng lẻ mà trở thành công cụ chính để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay, Việt Nam đã có nền tảng pháp lý vững chắc là Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là thuận lợi lớn cho việc triển khai dự án trong thời gian tới. JICA sẽ chuyển từ giai đoạn khởi động vào năm ngoái sang thực hiện hợp tác kỹ thuật trên quy mô toàn diện trong năm nay, đặc biệt về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực.
Tại Hội thảo, đại diện dự án và các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về kết quả cụ thể về các nội dung: Nâng cao năng lực cấp quốc gia trong thực hiện NDC và giảm phát thải KNK; Nâng cao năng lực cấp ngành trong thực hiện NDC và theo dõi tiến độ thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải; Nâng cao năng lực cấp quốc gia trong thực hiện NDC và giảm phát thải khí nhà kính, Thiết kế hệ tống báo cáo kiểm kê KNK trực tuyến cấp cơ sở; các hoạt động hợp tác với VCCI tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia thực hiện NDC và giảm phát thải khí nhà kính; khuyến nghị các nội dung cần triển khai trong năm 2022.
Cục Biến đổi khí hậu và JICA sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Dự án năm 2022.
Khánh Ly