Tin tức / Tin hoạt động
Ban hành quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về Ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 20/01/2022
Ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn

Nghị định bao gồm 4 Chương, 35 Điều quy định chi tiết Điều 91, Điều 92 và Điều 139 của Luật Bảo vệ môi trường về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, tổ chức và phát triển thị trường các-bon và các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường các-bon trong nước, kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới; hoạt động sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Nghị định quy định đối tượng bắt buộc và đối tượng khuyến khích thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đối tượng bắt buộc bao gồm: “Các bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: a) Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; b) Công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; c) Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; d) Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.”

Theo đó, trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2023, các cơ sở có trách nhiệm cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực. Trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025, các cơ sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Nghị định cụ thể hóa mục tiêu cam kết của Việt Nam trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm mục tiêu cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030 được chia theo 02 giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030. Các Bộ quản lý lĩnh vực thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 chưa bắt buộc giảm phát thải đối với các cơ sở; trong giai đoạn 2026-2030, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch được phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước.

Thị trường các-bon trong nước được phát tổ chức và phát triển trên cơ sở lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và chia ra 02 giai đoạn.

Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: Tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025. Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định quy định trách nhiệm quản lý, lộ trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát (các chất được kiểm soát) theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Một số nội dung được quy định chi tiết như sau:

Nghị định chi tiết hóa quy định tại khoản 11 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường về các hành vi bị cấm; đồng thời, quy định biện pháp quản lý (theo mục đích, theo hạn ngạch) và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với các chất được kiểm soát. Danh mục chi tiết các chất được kiểm soát kèm theo mã hàng hóa (HS) được ban hành tại Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổ chức có hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu chất được kiểm soát và thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát, tổ chức sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát và tổ chức thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký lần đầu trước ngày 31/12/2022 và báo cáo về tình hình sử dụng chất được kiểm soát gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/01 hằng năm. Trường hợp thay đổi thông tin đăng ký hoặc đăng ký hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu, tổ chức cung cấp thông tin điều chỉnh, bổ sung trong báo cáo hằng năm.

Nghị định quy định nguyên tắc và yêu cầu đối với hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát, tổ chức có trách nhiệm thực hiện thu gom các chất được kiểm soát từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Việc thu gom cần đảm bảo có thiết bị phù hợp, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu và quy trình thu gom, vận chuyển lưu giữ an toàn. Việc xử lý để tiêu hủy các chất được kiểm soát thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Về điều khoản thi hành, Nghị định quy định rõ tổ chức được phân bổ hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành; tổ chức đã đăng ký hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC năm 2022 không phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Nghị định này. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện phân bổ hạn ngạch và thông báo cho tổ chức về hạn ngạch nhập khẩu năm 2022 theo yêu cầu, trình tự thủ tục và thời hạn quy định tại Nghị định này.

Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu

Thông tư quy định chi tiết điểm g khoản 2 Điều 27, điểm c khoản 3 Điều 90, điểm c khoản 4 Điều 91, điểm b khoản 3 và khoản 6 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường; điểm d khoản 4 Điều 10, khoản 5 và khoản 6 Điều 11, điểm d khoản 5 Điều 22 và khoản 4 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Thông tư gồm 05 Chương, 21 Điều và 03 Phụ lục với 3 nội dung chính:

Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu được quy định từ Điều 4 đến Điều 8 Thông tư. Theo đó, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu là việc xác định mức độ ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn; tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội trong phạm vi không gian và thời gian xác định.

Về yêu cầu thực hiện đánh giá phải bảo đảm khách quan, có cơ sở khoa học; phản ánh đầy đủ, nhất quán thông tin, phương pháp sử dụng và kết quả đánh giá; thực hiện đầy đủ nội dung, trình tự đánh giá.

Đối với thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá gồm: Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố; Thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn và các hiện tượng cực đoan liên quan trong quá khứ và hiện tại; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực; Các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư do cơ quan có thẩm quyền ban hành; Số liệu thống kê và các tài liệu khác có liên quan.

Tổ chức thực hiện đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến: (i) Hệ thống tự nhiên gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, tài nguyên biển, đảo và các tài nguyên, yếu tố môi trường khác; (ii) Hệ thống kinh tế gồm hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và đô thị, công nghiệp, năng lượng, thông tin và truyền thông, du lịch, thương mại và dịch vụ, các hoạt động khác có liên quan; (iii) Hệ thống xã hội gồm phân bố dân cư, nhà ở và điều kiện sống, dịch vụ y tế, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, đối tượng dễ bị tổn thương, giới và giảm nghèo.

Trình tự thực hiện đánh giá theo 9 bước: Xác định phạm vi đánh giá (phạm vi không gian và phạm vi thời gian); Xác định đối tượng đánh giá; Phân tích kịch bản biến đổi khí hậu; Phân tích các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực và các tài liệu liên quan khác; Lựa chọn phương pháp đánh giá; Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; Đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu; Đánh giá tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; Xây dựng báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, tại Phụ lục I.1 và Phụ lục I.2 cung cấp các hướng dẫn chi tiết về lựa chọn, xác định các chỉ số phản ánh tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu; xác định tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Về báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu gồm các nội dung chính: Mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi và phương pháp đánh giá; Đặc điểm khu vực và đối tượng đánh giá; Phân tích kịch bản biến đổi khí hậu và các tài liệu sử dụng trong đánh giá; Kết quả đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu; Đề xuất giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá có trách nhiệm công bố báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trên trang thông tin điện tử của mình.

Thông tư cũng quy định các điều khoản chuyển tiếp liên quan đến nội dung này. Cụ thể, kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu được thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xem xét, thẩm định theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia. Tại khoản 2 Điều 20 Thông tư quy định: Bãi bỏ quy định tại Điều 5 Thông tư số 08/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia.

Trồng rừng ngập mặn ven biển tỉnh Quảng Nam

Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở và báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính các lĩnh vực (Chương III). Cụ thể:

Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực do các Bộ quản lý lĩnh vực thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định với sự tham gia của đại diện Bộ quản lý lĩnh vực, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp. Bộ quản lý lĩnh vực tổ chức hiệu chỉnh kết quả kiểm kê khí nhà kính và lập báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo kết luận của Hội đồng thẩm định, làm cơ sở xây dựng báo cáo của Bộ quản lý lĩnh vực phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia và báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở do cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện (gọi là cơ quan thẩm định). Sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan thẩm định, cơ sở hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính và gửi báo cáo đã hoàn thiện cho cơ quan thẩm định và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính đã được cơ sở hoàn thiện về Bộ quản lý lĩnh vực để cập nhật vào cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê khí nhà kính trong phạm vi lĩnh vực quản lý.

 Quy trình thẩm định giảm nhẹ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do đơn vị thẩm định quy định tại Điều 14 Nghị định 06/2022/NĐ-CP thực hiện. Báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở sau khi được thẩm định phải gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực để tổng hợp, đánh giá phục vụ việc ban hành hạn mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở và tạo điều kiện cho cơ sở tham gia thị trường các-bon trong nước.

Quy trình thẩm định báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và tổ chức các hoạt động của Hội đồng.

Danh mục, hướng dẫn sử dụng, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát (Chương IV) gồm: Danh mục các chất được kiểm soát bao gồm: (i) Danh mục các chất làm suy giảm tầng ô-dôn cấm sản xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ; (ii) Danh mục các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được kiểm soát; (iii) Danh mục các chất gây hiệu ứng khí nhà kính được kiểm soát; (iv) Danh mục các sản phẩm, thiết bị, hàng hóa có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát. Chi tiết các Danh mục này tại Phụ lục III.1 đến Phụ lục III.4.

Hướng dẫn sử dụng các chất được kiểm soát: bao gồm các biện pháp quản lý áp dụng đối với các chất được kiểm soát. Thông tin chi tiết về biện pháp quản lý và thời hạn áp dụng đối với từng chất được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư.

Thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát: chi tiết hóa đối tượng thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 4 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Xử lý các chất được kiểm soát: quy định nguyên tắc xử lý các chất đã qua sử dụng và không thể tái chế, tái sử dụng phải được xử lý, không để phát tán ra môi trường. Việc xử lý các chất được kiểm soát thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Kè chống sạt lở tại Bạc Liêu

04 thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực biến đổi khí hậu

Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT nêu trên quy định có 04 thủ tục hành chính về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn gồm:

(i) Xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước: Tổ chức, cá nhân sở hữu tín chỉ các-bon hoặc hạn ngạch phát thải khí nhà kính có nhu cầu xác nhận để giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước gửi hồ sơ đề nghị xác nhận theo mẫu về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian xem xét cấp Giấy xác nhận trong tối đa 15 ngày làm việc.

(ii) Đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon: Tổ chức có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký chương trình, dự án theo mẫu về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian xem xét cấp văn bản chấp thuận trong thời gian tối đa 38 ngày làm việc.

(iii) Đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát: Tổ chức có hoạt động sử dụng các chất được kiểm soát thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nộp hồ sơ đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch theo mẫu về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thủ tục đăng ký được thực hiện một lần trước ngày 31/12/2022 và định kỳ cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký của tổ chức hoặc đăng ký hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất trong báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/01 hằng năm.

Đây là thủ tục hành chính tích hợp bao gồm việc công bố thông tin đăng ký hoạt động sử dụng và thông báo phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu trong năm của các tổ chức. Cụ thể: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát hồ sơ và công bố thông tin về tổ chức đăng ký trên Cổng Thông tin điện tử Bộ và trang thông tin điện tử của Cục Biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tối đa là 33 ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo năm của tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu, xác minh thông tin trong trường hợp cần thiết, lấy ý kiến cơ quan liên quan và thông báo cho tổ chức có hoạt động sản xuất, nhập khẩu các chất HCFC, HFC.

Hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất HFC được phân bổ từ ngày 01/01/2024.

(iv) Điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát: Tổ chức có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát gửi hồ sơ đề nghị điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 7 hằng năm. Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch và thông báo cho tổ chức trong thời gian tối đa 33 ngày làm việc.

Toàn văn Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT và các Phụ lục, biểu mẫu kèm theo chi tiết xem tại đây.

CTTĐT

Các tin khác