Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Kỷ niệm Ngày Điện lạnh Thế giới 26/6/2021
Ngày đăng: 24/06/2021
Ngày 26/6 hàng năm được Ban thư ký Ngày Điện lạnh Thế giới lựa chọn để tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Điện lạnh Thế giới (World Refrigeration Day) với mục đích: tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ làm lạnh; nâng cao vị thế của lĩnh vực làm lạnh, điều hòa không khí và bơm nhiệt; tôn vinh những con người làm việc trong lĩnh vực này đã và đang góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Trên thế giới, hiện có hơn 15 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực điện lạnh với tổng số khoảng hơn 5 tỷ hệ thống làm lạnh, điều hòa không khí và bơm nhiệt đang hoạt động với mục đích đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, mang đến sự thoải mái cho con người, đảm bảo năng suất lao động của công nhân và môi trường thiết yếu cho thực phẩm, dược phẩm và dữ liệu kỹ thuật số, v.v. Ước tính của Hội Lạnh Quốc tế năm 2019 cho thấy lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tiêu thụ khoảng 20% lượng điện năng và phát thải 4,14 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm khoảng 7,8% lượng khí nhà kính của toàn thế giới.

Chủ đề Ngày Điện lạnh Thế giới năm 2021 là “Cooling Champions: Cool Careers for a Better World” (tạm dịch là “Tìm kiếm nhà vô địch trong lĩnh vực làm lạnh: Cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn làm cho thế giới tốt đẹp hơn”), tập trung vào các nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp làm lạnh, điều hòa không khí và bơm nhiệt với mục tiêu truyền cảm hứng cho sinh viên và các chuyên gia trẻ, cả nam và nữ ở tất cả các quốc gia, thu hút một thế hệ tài năng mới trong lĩnh vực làm lạnh và khuyến khích họ giải quyết những thách thức mà cộng đồng đang phải đối mặt.

Các chuyên gia điện lạnh đã tận tâm thiết kế, xây dựng, bảo trì và điều chỉnh các hệ thống làm lạnh cũng như đào tạo những thế hệ học viên mới. Các công nghệ làm lạnh tiên tiến cần phải được áp dụng để nâng cao hiệu quả làm lạnh trong khi vẫn phải đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững theo các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn. Do vậy, cần có một thế hệ tài năng mới trong lĩnh vực làm lạnh như kỹ sư, kỹ thuật viên, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, chuyên gia chính sách và giám đốc điều hành để tạo ra những môi trường được kiểm soát theo yêu cầu của cuộc sống hiện đại; tạo cơ hội phát triển các lĩnh vực nghề nghiệp thường không nhận được sự quan tâm thích đáng như: quản lý môi chất lạnh, chuỗi lạnh, công nghệ phi hiện vật, chất lượng môi trường trong nhà, bơm nhiệt, trung tâm dữ liệu, vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực làm lạnh và điều hoà không khí.

Tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang thực hiện Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II) với mục tiêu loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, làm lạnh, sản xuất xốp và dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh, điều hòa không khí theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal.

Cục Biến đổi khí hậu

Bộ Tài nguyên và Môi trường