Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu TS. Tăng Thế Cường, Tổ trưởng Tổ soạn thảo phát biểu tại cuộc họp
Thay mặt Tổ soạn thảo báo cáo dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 (Kế hoạch hành động), PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Việt Nam đã ký và phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH. Để triển khai thực hiện Thỏa thuận này, Việt Nam đã cập nhật và gửi Ban thư ký Công ước khung liên hợp quốc về BĐKH nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (NAP) giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg. NDC cập nhật của Việt Nam thể hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và thích ứng với BĐKH của quốc gia ở cấp chiến lược. Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH đề ra các nhiệm vụ chiến lược thích ứng với BĐKH thực hiện những cam kết đóng góp được nêu trong NDC cả về trung hạn và dài hạn.
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu
Kế hoạch hành động sẽ tập trung triển khai thực hiện các hành động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK cụ thể, ưu tiên và cấp thiết ở ngắn hạn nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn đã được xác định trong NDC và NAP. Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030 cũng là định hướng cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai các hành động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK cụ thể, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 thuộc phạm vi quản lý. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012 - 2020 đã góp phần đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chiến lược quốc gia về BĐKH; giúp Việt Nam chủ động ứng phó hiệu quả với BĐKH, duy trì cân bằng hệ sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, thân thiện với môi trường vì sự phát triển bền vững.
Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021- 2030 được xây dựng với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đạt được 9 mục tiêu cụ thể đã đề ra, gồm: (1) Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; (2) Chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và BĐKH; (3) Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH; (4) Triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp; (5) Thực hiện đầy đủ các cam kết của một Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Thỏa thuận Paris; (6) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH và thúc đẩy lồng ghép ứng phó với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch; (7) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức, tăng cường năng lực về phòng tránh thiên tai, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu; (8) Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ và tài chính phục vụ ứng phó với BĐKH; (9) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế và đóng góp của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH toàn cầu.
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương cũng cho biết thêm, dự thảo Kế hoạch hành động cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các đối tác phát triển để hoàn thiện. Kết quả các nghiên cứu có liên quan được sử dụng làm đầu vào cho quá trình xây dựng Kế hoạch hành động này.
Tại cuộc họp Tổ soạn thảo, đại diện các Bộ, ngành và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, các chuyên gia đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Đại diện các Bộ, ngành đã cho ý kiến đóng góp về nội dung ứng phó với BĐKH của ngành, lĩnh vực liên quan trong giai đoạn 5 năm và 10 năm tới.
Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, Tổ trưởng Tổ soạn thảo cho rằng: Trong thời gian vừa qua, một nhiệm vụ do Tổ chức AFD hỗ trợ đã tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH và Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong giai đoạn vừa qua. Những kết quả đạt được và các thiếu hụt được đưa ra là cơ sở để xây dựng cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH và Kế hoạch hành động cho giai đoạn tới. Để tiếp tục thực hiện các cam kết do Việt Nam đóng góp với quốc tế, phát huy kết quả đạt được trong ứng phó với BĐKH trong giai đoạn vừa qua, từng bước đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH phù hợp với bối cảnh đất nước và tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới là rất cần thiết.
Tổ trưởng Tổ soạn thảo đã đề nghị thành viên Tổ soạn thảo và đại diện các Bộ, ngành, cơ quan tích cực đóng góp ý kiến cụ thể vào bản dự thảo, tập trung ưu tiên các hành động cấp thiết trong giai đoạn tới, đặc biệt đối với giai đoạn 2021-2025 và phù hợp với Kế hoạch ngành, kế hoạch đầu tư công trung hạn; các nhiệm vụ đề xuất của các ngành, lĩnh vực phải bảo đảm khả thi; xét đến hài hòa và đồng lợi ích giữa thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK với phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch hành động phải góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết đóng góp của Việt Nam với quốc tế về ứng phó với BĐKH. Ngoài ra, Kế hoạch hành động cần đặt ra nhiệm vụ ứng phó với BĐKH đối với các vùng, đặc biệt là các vùng có tính dễ bị tổn thương cao trước BĐKH và rủi ro thiên tai.
Các đại biểu đã đánh giá cao nội dung dự thảo Kế hoạch hành động được Nhóm thường trực chuẩn bị, đồng thời tích cực góp ý hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các thành viên Tổ soạn thảo, đại diện các Bộ, ngành. Đồng thời, đề nghị Tổ soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu, tổng hợp và tiếp tục hoàn thiện dự thảo để gửi xin ý kiến chính thức các Bộ, ngành, địa phương trước khi Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Cổng TTĐT