Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
NGÀY QUỐC TẾ BẢO VỆ TẦNG Ô-DÔN 16-9-2020
Ngày đăng: 15/09/2020

THÔNG TIN BÁO CHÍ

NGÀY QUỐC TẾ BẢO VỆ TẦNG Ô-DÔN 16-9-2020

35 NĂM CÔNG ƯỚC VIENNA: HÀNH TRÌNH BẢO VỆ TẦNG Ô-DÔN VÌ SỰ SỐNG

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2020

           Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn được tổ chức vào ngày 16/9 hàng năm là một sự kiện nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ô-dôn tới cộng đồng và toàn xã hội. Trái đất sẽ không có sự sống nếu không có ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu không có tầng ô-dôn thì năng lượng phát ra từ mặt trời sẽ thiêu rụi sự sống trên Trái đất. Nhờ có lớp ô-dôn ở tầng bình lưu, Trái đất được che chắn khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại từ mặt trời làm gia tăng tỷ lệ ung thư da, đục thủy tinh thể và làm hỏng cây trồng, hoa màu và hệ sinh thái.

 

 

            Năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết một thỏa thuận lịch sử mang tên Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn trên phạm vi toàn cầu. Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra đời trong khuôn khổ Công ước Vienna, các quốc gia, các nhà khoa học và ngành công nghiệp đã nỗ lực hành động cùng nhau nhằm cắt giảm 99% lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Nhờ có Nghị định thư Montreal, tầng ô-dôn đang dần hồi phục và được mong đợi sẽ trở về nguyên trạng trước năm 1980 vào giữa thế kỷ.

            Năm nay, thế giới bước sang năm thứ 35 năm trên hành trình phục hồi tầng ô-dôn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp trên toàn cầu mang đến những khó khăn về kinh tế và xã hội. Thông điệp “Bảo vệ tầng ô-dôn vì sự sống” nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tầng ô-dôn đối với sự sống trên Trái đất và chúng ta phải tiếp tục bảo vệ tầng ô-dôn cho các thế hệ tương lai.

           Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã triển khai kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ (giai đoạn I từ 2012-2017, giai đoạn II từ 2018-2023). Ở giai đoạn I, có 11 doanh nghiệp hoàn thành chuyển đổi công nghệ, giúp loại trừ 1.300 tấn HCFC-141b nguyên chất và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol sử dụng trong sản xuất xốp cách nhiệt. Trong giai đoạn II, Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam (HPMP II) tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, làm lạnh và sản xuất xốp thực hiện chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt.

            Theo cam kết với Ban Chấp hành Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, Việt Nam cần ban hành chính sách cấm sản xuất và nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng sử dụng môi chất lạnh HCFC-22 và cấm nhập khẩu HCFC-141b trộn sẵn trong polyol vào năm 2022. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, sản xuất thiết bị lạnh và xốp cách nhiệt có đủ điều kiện tham gia Dự án HPMP II, liên hệ với Ban Quản lý dự án HPMP II, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham gia và nhận hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, loại trừ HCFC-22 và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol.

            Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất hydrofluorocarbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy... Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, cần xây dựng kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC, nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045. Để thực hiện cam kết này, sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chính phủ, giữa các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia hỗ trợ của các đối tác quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt là sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.

            Hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô dôn 16/9 năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như treo băng rôn trên các tuyến phố, tổ chức tọa đàm và phổ biến tờ rơi nhằm nâng cao nhận thức về quản lý các chất HCFC, HFC tại Việt Nam; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để nâng cao năng lực, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô dôn, các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao để bảo vệ trái đất, bảo vệ sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Thông tin liên hệ: Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; điện thoại: ​(84-4)2437759585; E-mail: vietnamozone@monre.gov.vn. Thông tin, hình ảnh, clip về Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2020: “35 năm Công ước Vienna: Hành trình bảo vệ tầng ô-dôn vì sự sống” có thể tải tại đây.