Tin tức / Tin hoạt động
Tăng cường bình đẳng giới trong xây dựng chính sách về BĐKH
Ngày đăng: 01/09/2020
Ngày 1/9, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã tổ chức hội thảo khởi động dự án “Tăng cường sự tham gia và nâng cao năng lực quản lý của các tổ chức phụ nữ trong xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai”, gọi tắt là dự án “Phụ nữ và biến đổi khí hậu”.

Dự án do CECR hợp tác cùng Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về biến đổi khí hậu (VNGO-CC) thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2022. Mục tiêu nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội trong lồng ghép giới vào các hoạt động ứng phó với BĐKH, đóng góp vào quá trình ra quyết định ở cấp trung ương và địa phương.

Đây là dự án trong khuôn khổ Chương trình EmPower về “Tăng cường quyền con người và bình đẳng giới thông qua hành động BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai”, được Chính phủ Thuỵ Điển tài trợ thông qua Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women).

Bà Ann Mawe, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thuỵ Điển tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại lễ ra mắt dự án, bà Ann Mawe, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thuỵ Điển tại Việt Nam chia sẻ: Phụ nữ là một trong các đối tượng dễ bị tổn thương trước những rủi ro liên quan đến thiên tai khí hậu, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH. Tận dụng kiến thức bản địa, năng lực và kỹ năng của các nhóm phụ nữ để ứng phó và giảm nhẹ các tác động của BĐKH là điều vô cùng cần thiết. Đó là lý do Chính phủ Thụy Điển cam kết đồng hành cùng với UN Woman và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc UNEP thúc đẩy thực hiện Chương trình EmPower tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ về công tác lồng ghép giới trong các chính sách ứng phó BĐKH mang tầm quốc gia, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, mới đây nhất, Chính phủ đã chính thức thông qua hai văn kiện quan trọng là Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật và Kế hoạch thích ứng quốc gia giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến 2030.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo

Bình đẳng giới là một trong những điểm nhấn trong NDC cập nhật, cũng là nỗ lực của Việt Nam nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, các nội dung NDC cập nhật sẽ được phản ánh trong kế hoạch dài hạn, trung hạn của địa phương. Ông Tấn cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Thụy Điển, UN Woman và tổ chức phụ nữ sẽ tích cực giúp Việt Nam thực hiện NDC cập nhật, trong đó có các nội dung về bình đẳng giới.

Quang cảnh hội thảo

Chia sẻ về các hoạt động của dự án “Phụ nữ và BĐKH”, bà Đinh Thu Hằng, Giám đốc CECR cho biết: Dự án sẽ xây dựng mạng lưới phụ nữ tiên phong thích ứng BĐKH của Việt Nam, là tập hợp các tổ chức phi chính phủ do phụ nữ lãnh đạo và hoạt động trong lĩnh vực BĐKH. Thông qua chương trình nâng cao năng lực và vận động chính sách, mạng lưới này sẽ thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép giới trong quá trình xây dựng chính sách, ra quyết định liên quan đến BĐKH, giảm thiểu rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia; đồng thời trao quyền cho phụ nữ trong các hoạt động thích ứng với BĐKH ở địa phương.

Theo bà Vũ Thị Bích Hợp, Chủ tịch Mạng lưới VNGO-CC, các hoạt động của dự án sẽ tác động đến các cộng đồng dễ bị tổn thương, cộng đồng nghèo và trẻ em gái. Mỗi tổ chức làm ở một địa phương, cộng đồng khác nhau có thể phối/kết hợp để tăng cường hiệu quả, giúp đề cao tiếng nói của phụ nữ – những người thường xuyên đối mặt với các tác động của BĐKH và truyền tải đến các cơ quan quản lý, cộng đồng quốc tế. Đó là nền tảng cho công cuộc ứng phó với BĐKH. Bà Hợp khẳng định, Mạng lưới VNGO-CC sẽ ủng hộ dự án và kết nối các bên liên quan một cách tốt nhất.

Ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, thể hiện cam kết mạnh mẽ và chủ động sẵn sàng ứng phó với BĐKH của Việt Nam. Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường quốc gia và tăng lên đến 27% nếu có hỗ trợ quốc tế. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2050 để hiện thực hóa các quyết tâm này. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc thực hiện các chính sách là thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Khánh Ly

Các tin khác