Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Erik Sidgick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan; Sở TN&MT thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức quốc tế.
Ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Bộ TN&MT phát biểu tại hội thảo |
Dự án “Lồng ghép giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong hạ tầng quốc gia, lĩnh vực năng lượng và giao thông trong khuôn khổ Quỹ công nghệ sạch” được triển khai, nhằm hỗ trợ cơ quan thực hiện dự án và cơ quan đầu mối Quỹ công nghệ sạch CTF tại Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và giao thông
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Tăng Thế Cường cho biết: Năm 2016, Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris và ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, bao gồm 68 nhiệm vụ để các Bộ, ngành, địa phương triển khai trong giai đoạn 2016 - 2030. Theo Thỏa thuận Paris, tất cả các nước đang phát triển phải thực hiện các hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển từ ứng phó với biến đổi khí hậu tự nguyện sang ràng buộc, có kiểm tra giám sát của quốc tế. Điều 13 Thỏa thuận Paris về Minh bạch trong ứng phó với biến đổi khí hậu yêu cầu các quốc gia phải thiết lập Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở cấp quốc gia và cấp ngành.
Để đáp ứng yêu cầu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Biến đổi khí hậu chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống MRV các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia.
Ông Erik Sidgick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Theo ông Tăng Thế Cường, Dự án TA-9005 VIE về cơ bản đã hoàn thành, đáp ứng được các mục tiêu đề ra, bao gồm: Xây dựng Hệ thống MRV cho các dự án do Quỹ Công nghệ sạch (CTF) tài trợ và Kế hoạch thể chế MRV cho các dự án CTF ở Việt Nam; xây dựng Hướng dẫn MRV cho lĩnh vực giao thông và năng lượng. Dự án cũng đã tổ chức các khóa đào tạo về MRV và xây dựng các sản phẩm truyền thông. Kết quả đầu ra của Dự án TA-9055 VIE sẽ đóng góp thông tin cho việc xây dựng hệ thống MRV quốc gia đang được triển khai.
Ông Erik Sidgick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam cho biết, thông qua dự án này, ADB mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, bằng cách hỗ trợ các ngành, lĩnh vực phát triển hệ thống MRV của riêng mình. Các kết quả của dự án sẽ là tiền đề để tăng cường hơn nữa việc thực hiện MRV trong các dự án do CTF tài trợ, cũng như ở phạm vi rộng hơn trong các ngành, lĩnh vực khác.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về tác động và kết quả của dự án mang lại, liên quan tới hệ thống MRV cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và giao thông. Đồng thời, đề xuất những hỗ trợ, hợp tác trong tương lai để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, thách thức lớn nhất trong việc xây dựng hệ thống MRV là hiện nay, Nhà nước chưa có quy định cụ thể về vấn đề MRV, rất khó để phân định trách nhiệm báo cáo các số liệu do cơ quan, đơn vị nào thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn lực và năng lực của các bộ ngành còn hạn chế.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), MRV là vấn đề mới tại Việt Nam và việc thực hiện mới trên tinh thần tự nguyện chứ chưa có quy định bắt buộc. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện các yêu cầu quốc tế và tham gia thị trường các bon. Vì vậy, cần đẩy nhanh xây dựng hệ thống MRV theo hướng đồng bộ, minh bạch, hiện đại hóa công tác thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu. Hệ thống báo cáo cũng cần đơn giản hóa để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực tiễn.
Trên cơ sở các kết quả thực hiện dự án, ông Axel Michaelowa - Trưởng nhóm Tư vấn đề xuất, trách nhiệm của các bên liên quan đến MRV cần được làm rõ ngay từ khi bắt đầu xây dựng các dự án CTF. Bên cạnh đó, cần xây dựng một tài liệu quy phạm pháp luật về MRV cấp quốc gia để làm căn cứ thiết lập và vận hành MRV ở các cấp dự án, cấp tiểu ngành. Đồng thời, chuẩn hóa các phương pháp tính toán giảm phát thải KNK ở cấp dự án, để các cơ quan liên quan có thể sử dụng kết quả của MRV theo dõi tiến trình Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định và các nghĩa vụ báo cáo cho UNFCCC.
Khánh Ly (TNMT)