Toàn cảnh buổi làm việc của Cục Biến đổi khí hậu và Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới.
Làm việc với Đoàn công tác, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới quan tâm nhằm thực hiện lộ trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal đối với các nước đang phát triển, Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu đã chỉ đạo sát sao để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Năm 2020 được xác định là năm cần phải đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ Dự án HPMP II, từ việc khảo sát tại các cơ sở, triển khai các tiểu dự án hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh và sản xuất xốp thực hiện chuyển đổi công nghệ cùng với hoạt động đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Cục Biến đổi khí hậu cũng sẽ tiến hành rà soát, triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn chịu kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, ông Cường nói. Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án HPMP II sẽ được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới làm việc cụ thể với Ban quản lý dự án để giải quyết, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia đã đi trước về hoạt động này, đơn giản hóa các thủ tục đối với các cơ sở thuộc lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh và sản xuất xốp thực hiện chuyển đổi công nghệ.
Từ chiều ngày 24/2 đến ngày 28/2, Đoàn công tác cùng Ban quản lý sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí hợp lệ tham gia Dự án và đang triển khai xây dựng đề xuất tiểu dự án. Phấn đấu đến hết quý II năm 2020 sẽ phê duyệt và chính thức thực hiện các tiểu dự án đợt đầu. Theo nhận định của Trưởng nhóm chuyên gia môi trường của Ngân hàng Thế giới, ông Viraj Vithoontien, nhìn chung các dự án quản lý loại trừ các chất HCFC ở các quốc gia đều gặp phải một số trở ngại và triển khai chậm ở giai đoạn ban đầu và sẽ tăng dần vào các năm thực hiện tiếp theo. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có xu hướng thận trọng hơn và cần nhiều thời gian để tìm hiểu các thông tin, lựa chọn phương án chuyển đổi cho doanh nghiệp của mình.
Hai bên chụp ảnh lưu niệm
Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất cao việc tập trung triển khai một số công việc ưu tiên: tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng đề xuất tiểu dự án; rà soát và cập nhật các quy định hướng dẫn thực hiện để tạo thuận lợi cho Ban quản lý và doanh nghiệp trong quá trình triển khai; tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin về dự án tới các bên quan tâm. Trong thời gian tới Ngân hàng Thế giới sẽ tăng cường phối hợp với Ban quản lý dự án để đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Cục BĐKH