Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Tăng cường hợp tác trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
Ngày đăng: 21/02/2020
Sáng ngày 20/2 tại Hà Nội, ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan cùng đại diện các đơn vị chuyên môn của hai cơ quan đã có buổi làm việc, thống nhất ký kết Biên bản hợp tác giữa hai cơ quan về trao đổi thông tin và tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ở Việt Nam.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại buổi ký kết Biên bản hợp tác

Phát biểu tại buổi ký kết, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong việc quản lý các chất HCFC, đặc biệt là việc kiểm soát xuất khẩu, nhập khẩu và ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các chất HCFC, đáp ứng nghĩa vụ của quốc gia thành viên thi hành Nghị định thư Montreal. Trong khuôn khổ Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn 1 đã thực hiện thành công loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo cam kết đối với Nghị định thư Montreal.

Với việc tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện kiểm soát xuất nhập khẩu các chất HCFC trong thời gian qua, gần 500 cán bộ hải quan đã được tập huấn về kiểm soát xuất nhập khẩu các chất HCFC, nâng cao nhận thức về phòng chống buôn bán bất hợp pháp các chất HCFC và bảo vệ tầng ô-dôn. Nhiều cán bộ ô-dôn và cán bộ hải quan Việt Nam - Campuchia đã tích cực tham gia đối thoại biên giới…

Trong thời gian tới, để thực hiện nghĩa vụ loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC vào năm 2023 theo cam kết đối với Nghị định thư Montreal, mức tiêu thụ các chất HCFC trong các năm từ 2020 đến năm 2024 cần đảm bảo không quá 2.600 tấn/năm, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thuộc các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan trong việc kiểm soát tiêu thụ các chất HCFC. Hai cơ quan sẽ tăng cường trao đổi thông tin và xây dựng các chế tài quản lý và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong giai đoạn tới. Ngoài ra, hai cơ quan sẽ tăng cường phối hợp khảo sát, xây dựng báo cáo số liệu tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2020-2022 để thực hiện ngưng mức tiêu thụ các chất HFC và tiến hành loại trừ kể từ năm 2024 theo Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã được Chính phủ phê duyệt – ông Tăng Thế Cường cho biết.

Để đảm bảo các mục tiêu đặt ra, ông Tăng Thế Cường đánh giá cơ quan Hải quan, nhất là Cục Điều tra chống buôn lậu có vai trò hết sức quan trọng. “Sự tham gia tích cực, hiệu quả của Cục Điều tra chống buôn lậu góp phần đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động xuất nhập khẩu các chất bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, đóng góp vào việc thực hiện thành công các nghĩa vụ của Việt Nam với quốc tế”- Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nói.

Mục đích của việc ký kết hợp tác trong giai đoạn này sẽ tập trung vào tăng cường chia sẻ thông tin về chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước của cả hai cơ quan và cùng phối hợp, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn giai đoạn 2020 - 2025.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh phát biểu tại buổi ký kết Biên bản hợp tác

Tại buổi ký kết, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho biết, Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-dôn ra đời năm 1985 và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được các nước phê chuẩn tham gia năm 1987 tại Canada mà Việt Nam đã sớm tham gia. Vấn đề được nêu ra ở đây chính là nạn buôn lậu các loại hóa chất có thể gây hại cho môi trường trong đó có chất HCFC. Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, từ năm 2013 Cục Điều tra chống buôn lậu đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc phối hợp tăng cường năng lực trong việc kiểm soát xuất nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn thuộc Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt nam giai đoạn I (HPMP I) với Ban Quản lý dự án HPMP I thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhiều hoạt động hợp tác giữa hai bên đã được triển khai tích cực trong thời gian qua, góp phần thực hiện nhiệm vụ quốc gia và cam kết quốc tế. Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp, trao đổi thông tin với Cục Biến đổi khí hậu rà soát và xác minh một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng HCFC không có giấy phép nhập khẩu. Từ đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ban hành cảnh báo trên phạm vi toàn quốc đối với các doanh nghiệp nhập khẩu các chất này.

Lãnh đạo hai đơn vị ký kết thành công Biên bản hợp tác

Tiếp nối hợp tác trong thời gian tới, ông Nguyễn Hùng Anh kỳ vọng Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hải quan, từ đó kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất - nhập khẩu trái phép các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Đại diện hai cơ quan chụp ảnh lưu niệm

Toàn cảnh buổi ký kết hợp tác

Cùng với cam kết và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc triển khai hoạt động loại trừ theo lộ trình đến năm 2045, sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Biến đổi khí hậu với các Bộ, ban ngành nói chung và với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan nói riêng có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả các quy định về pháp luật đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các chất bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, đóng góp vào thành công chung của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế.

Cục BĐKH