Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) vào tháng 12/2015 là văn bản ràng buộc trách nhiệm của tất cả các bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận Paris đã được Việt Nam phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 04/11/2016. Để đạt mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định trong Thỏa thuận Paris: “Giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng so với thời kỳ tiền công nghiệp ở mức thấp hơn đáng kể so với 2°C và thậm chí có tham vọng nỗ lực để giới hạn mức tăng nhiệt độ đến 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp”, Việt Nam cam kết cắt giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm 25% với sự hỗ trợ của quốc tế so với Kịch bản phát triển thông thường trong giai đoạn 2021-2030 thông qua Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC).
Trong khuôn khổ hợp tác song phương hướng tới phát triển các-bon thấp và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris, Cơ chế tín chỉ chung JCM do Nhật Bản đề xuất được đánh giá là một cơ chế hợp tác tự nguyện nhiều tiềm năng, với mạng lưới các quốc gia tham gia ngày càng tăng. Mục tiêu của Cơ chế là nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp, hướng tới tăng trưởng xanh ở các nước đang phát triển và hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản.
Cũng theo ông Tăng Thế Cường, tại Việt Nam, Cơ chế Tín chỉ chung JCM được chính thức thiết lập thông qua việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản vào tháng 6/2013 và có hiệu lực đến hết năm 2020. Để triển khai thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BTNMT ngày 06/4/2015 quy định việc xây dựng và thực hiện dự án theo Cơ chế JCM. Cục Biến đổi khí hậu là cơ quan thường trực giúp việc Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế JCM phía Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo triển khai Cơ chế tín chỉ chung JCM - Thúc đẩy phát triển kinh tế các-bon thấp tại Việt Nam
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu thông tin về Cơ chế JCM tới các tổ chức, doanh nghiệp có quan tâm và để tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các đối tác phía Nhật Bản trong việc tiếp nhận hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ ít phát thải, nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Hôm nay, tôi rất vui được thấy nhiều đại biểu là đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam đến tham dự Hội thảo. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được nhiều thông tin và trao đổi kết nối với các đối tác Nhật Bản để thúc đẩy việc triển khai cơ chế JCM, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế các-bon thấp tại Việt Nam” - ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực hiện các dự án JCM, định hướng tiếp cận cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thực hiện các dự án JCM; trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận tham gia và thực hiện các dự án JCM. Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi nhiều ý kiến đánh giá Cơ chế JCM tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cùng những kết quả đạt được, những đóng góp của Cơ chế JCM trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Ban Tổ chức đã sắp xếp các cuộc họp riêng giữa nhà cung cấp và sử dụng công nghệ để giới thiệu công nghệ phát thải ít hoặc không phát thải các-bon dưới hình thức dự án JCM thông qua một ứng dụng trực tuyến “Kết nối JCM toàn cầu (JCM Global Match)”.