Tin tức / Tin hoạt động
Tăng cường năng lực xây dựng báo cáo khí hậu của Việt Nam
Ngày đăng: 15/02/2019
Trong hai ngày 13 - 14/2/2019, tại Vĩnh Phúc, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật Hỗ trợ tăng cường năng lực xây dựng Báo cáo cập nhật 2 năm một lần (BUR) và thông báo quốc gia (NC) của Việt Nam.

Chủ trì hội thảo có ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu và ông Oscar Zarzo, đại diện GIZ. Tham dự còn có đại diện các đơn vị tham gia xây dựng BUR và NC, các chuyên gia, nhà khoa học về biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế.


Ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn cho biết, hội thảo kỹ thuật được tổ chức nhằm hỗ trợ việc Báo cáo khí hậu của Việt Nam, cụ thể là chuẩn bị & thực hiện kiểm kê KNK, xây dựng và đệ trình các báo cáo cập nhật BUR và NC.

Ông Tấn cũng vui mừng thông báo, vào ngày 2/2 (28 Tết), Việt Nam đã kịp thời đệ trình Thông báo quốc gia 3 (NC3) cho UNFCCC. Hiện tại, trong số hơn 190 quốc gia, mới chỉ có 25 quốc gia nộp BUR2 và 64 quốc gia nộp NC3. “Việt Nam tự hào là một trong số ít những nước nộp sớm, kịp thời và có rất nhiều tiến bộ về chất lượng và nội dung giữa các báo cáo”, ông Tấn chia sẻ. Với vai trò cơ quan đầu mối, Cục BĐKH đã cùng nhóm các cán bộ chuyên gia của Cục, Viện Khoa học KTTV&BĐKH và các cơ quan khác đã dành rất công sức và thời gian cho việc này, với sự hỗ trợ tích cực của các đối tác như UNEP, GIZ, SilvaCarbon..

Phó Cục trưởng khẳng định, việc Báo cáo khí hậu là những bước đầu tiên, nền tảng và rất quan trọng trong việc đẩy mạnh vị thế của Việt Nam trong Đàm phán khí hậu quốc tế, ứng phó hiệu quả với BĐKH xa hơn nữa là thực hiện các cam kết quốc gia với Công ước khí hậu như các mục tiêu trong NDC và Kế hoạch Thực hiện Thỏa thuận Paris (PIPA).


 

Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội thảo

 

Theo Viện trưởng Nguyễn Văn Thắng, Hội thảo này là hoạt động tăng cường năng lực cuối cùng của Dự án “Information Matters” ở Việt Nam, sau một chuỗi các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực báo cáo khí hậu như xây dựng BUR2 và vừa rồi là NC 3.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang dự thảo, tham vấn các Bộ ngành liên quan về Kế hoạch thực hiện dự án cho BUR3 và đã đệ trình yêu cầu hỗ trợ xây dựng BUR3 cho Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Hội thảo sẽ hỗ trợ nhóm báo cáo khí hậu quốc gia và các bên liên quan giải quyết những thách thức hiện nay và chuẩn bị tốt hơn cho các quy trình xây dựng và đệ trình BUR3 trong năm 2019.


 

Ông Oscar Zarzo, đại diện GIZ trả lời thắc mắc từ các đại biểu

 

Đại diện GIZ, ông Oscar hoan nghênh những nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc xây dựng các báo cáo BUR và NC thời gian qua. COP 24 tại Ba Lan đã đưa ra một số cam kết quan trọng thực hiện Thỏa thuận Paris, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường khung minh bạch và sẽ có những yêu cầu mới liên quan đến quy trình báo cáo cho năm 2024. Đây là nền tảng cho những hoạt động xây dựng báo cáo khí hậu và Việt Nam cần dựa vào để nâng cao chất lượng báo cáo NC và BUR, tiếp tục khẳng định cam kết rất mạnh mẽ của quốc gia trong tương lai.


Toàn cảnh hội thảo

 

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã giới thiệu tổng quát về quy trình và các yêu cầu cập nhật nhất về báo cáo khí hậu, các bài học kinh nghiệm từ quy trình tham vấn và phân tích quốc tế của BUR, các thực hành tốt về báo cáo khí hậu; Xác định đường cơ sở và dự tính phát thải khí nhà kính; Hỗ trợ của báo cáo khí hậu trong theo dõi tiến độ thực hiện NDC… Đại biểu của Việt Nam cũng chia sẻ về việc xây dựng báo cáo khí hậu của Việt Nam, những khó khăn, thách thức hiện nay. Dựa trên các kinh nghiệm và thực hành tốt của quốc tế và trong nước, các chuyên gia tiếp tục thảo luận để xác định các ưu tiên và những bước tiếp theo trong việc chuẩn bị cho BUR3 và các báo cáo khí hậu tiếp theo, cũng như mối liên hệ với thực hiện NDC và PIPA của Việt Nam.

Khánh Ly

 

Các tin khác