Tin tức / Tin hoạt động
Hội nghị tập huấn về biến đổi khí hậu và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho Chức sắc, Chức việc, Nhà tu hành các tôn giáo
Ngày đăng: 17/12/2018
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khai mạc Hội nghị tập huấn về biến đổi khí hậu và kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu cho chức sắc, chức việc và nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn 8 tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn các chức sắc, chức việc, nhà tu hành sẽ góp ý để các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu sẽ ngày càng thiết thực, bám sát các tôn giáo hơn.

Ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu về lương thực, nước, năng lượng; tác động đến cả văn hóa, xã hội và cuộc sống của mọi người dân.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đối với nước ta, biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ, mà đã là thực tế hiện hữu, tác động một cách toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền. Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta đã tăng khoảng 0,5oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm; hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam.

Trong những năm gần đây, hạn hán ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở vùng Tây Bắc gia tăng; hằng năm có từ 12 đến 16 cơn bão ở Biển Đông, trong đó có 7-8 cơn bão đã tác động trực tiếp đến nước ta, bão có xu thế dịch chuyển về các tỉnh phía Nam. Riêng trong năm 2017, các loại hình thiên tai đều đã xuất hiện ở nước ta, trừ sóng thần. Theo số liệu quan trắc, mực nước biển tại hầu hết các vị trí ở dải ven biển Việt Nam đều có xu thế tăng trong thời kỳ 1993-2014 với mức độ tăng trung bình khoảng 3,34 mm/năm. Nếu theo số liệu vệ tinh, mực nước biển của toàn dải ven biển có xu thế tăng với tốc độ tăng trung bình khoảng 3,5 mm/năm, trong đó tăng mạnh nhất ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ (5,6 mm/năm). Như vậy, có thể thấy BĐKH đã đang có tác động mạnh đến nước ta trên phạm vi cả nước, từ miền núi đến đồng bằng, vùng ven biển. Trong đó, ĐBSCL của chúng ta đã được xác định là một trong 3 đồng bằng lớn trên thế giới sẽ bị tác động nặng nề của BĐKH.

Xác định được những tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu, ngày 31/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ; trong đó nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm, chú trọng và triển khai trên phạm vi cả nước.


TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội nghị

 

Cũng theo TS. Tăng Thế Cường, Hội thảo là cơ hội cung cấp các kiến thức cập nhật về biến đổi khí hậu, tạo tiền đề thúc đẩy công tác ứng phó với BĐKH tại các địa phương và xây dựng các hoạt động ứng phó BĐKH sau khi xác định được tình hình thực tế, định hướng và phương pháp tiếp cận của Việt Nam, qua đó nâng cao kiến thức thông qua trao đổi và hiểu biết lẫn nhau giữa các cán bộ quản lý và cộng đồng, các tổ chức tôn giáo và người dân về biến đổi khí hậu. Cũng qua Hội thảo sẽ là cơ hội trao đổi thông tin hai chiều, cung cấp thông tin về những hoạt động, mô hình tốt ở các cộng đồng, tổ chức tôn giáo nhằm đúc rút kinh nghiệm cho việc xây dựng và triển khai các mô hình mới, phù hợp với các cộng đồng tôn giáo ở nước ta.

Các Chức sắc, Chức việc, Nhà tu hành tham dự Hội nghị

 

 

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị (17-18/12), các đại biểu sẽ được thông tin về tình hình các tôn giáo và hoạt động an sinh xã hội của các tôn giáo tại Việt Nam, thực tiễn phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH; công tác quản lý Nhà nước và chính sách quốc tế về BĐKH. Đại diện các tôn giáo cũng sẽ trình bày một số kết quả tham gia hoạt động xã hội, chia sẻ kinh nghiệm và các mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH hiện nay.

Cục BĐKH

Các tin khác