Tin tức / Tin hoạt động
Định hướng hỗ trợ từ các đối tác phát triển trong thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam
Ngày đăng: 09/11/2018
Ngày 07/11, tại Hà nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đối tác hỗ trợ đóng góp do quyết gia tự quyết định và Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam – Định hướng hỗ trợ từ các đối tác phát triển”. Đây là hội thảo thứ hai sau Hội thảo khởi động ngày 13/4/2018 nhằm xây dựng Kế hoạch đối tác thực hiện NDC tại Việt Nam. Tham dự hội thảo bao gồm đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ ngành và các cơ quan liên quan, các đại sứ quán, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ, các Viện nghiên cứu và trường đại học.

Việc đạt được các mục tiêu khí hậu mà Việt Nam đặt ra theo Thỏa thuận Paris sẽ đòi hỏi những nỗ lực đáng kể của Chính phủ cũng như những hỗ trợ quốc tế. Để đảm bảo hành động phối hợp chung, cần phối hợp việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và chuẩn bị ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi hỗ trợ của các đối tác phát triển. Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, ngày 24/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thư số 1380/2018-ICD gửi các Đối tác phát triển thông qua Ban Thư ký Tổ chức Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCP) đề nghị hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Đề xuất của Việt Nam đã được Ban Thư ký NDCP gửi đến các đối tác phát triển và đã nhận được phản hồi tích cực. Hiện đã có 12 thành viên của NDCP đã gửi phản hồi đến Ban thư ký NDCP.

Hội thảo hôm nay nhằm cung cấp thêm thông tin cho các đối tác phát triển về các đề xuất của Việt Nam nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch, từ đó các đối tác phát triển có hình thức xem xét hỗ trợ thêm cho phù hợp. Đồng thời cũng là dịp để thảo luận hình thức hợp tác điều phối để sao cho các hỗ trợ cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu được hiệu quả nhất, đi theo đúng các ưu tiên phát triển đất nước của Chính phủ, giảm nhẹ phát thải và thích ứng với BĐKH để phát triển bền vững.


Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo

 

Nhiệm vụ ưu tiên huy động hỗ trợ (nêu trong thư của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi các Đối tác phát triển)

+ Điều phối, báo cáo, chia sẻ thông tin

+ #3 Xây dựng và thực hiện Nghị định về giảm phát thải khí nhà kính

+ #5 Xây dựng và thực hiện các hành động giảm nhẹ phù hợp điều kiện quốc gia (NAMA)

+ #18 Xây dựng và thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP)

+ #19 Thông tin về thích ứng và Tổn thất và thiệt hại

+ #20 Nhu cầu về thích ứng và xử lý tổn thất, thiệt hại

+ #21 Thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và Tăng trưởng xanh

+ #39 Đào tạo, phát triển nhân lực

+ #49 Phân bổ nguồn lực cho BĐKH và Tăng trưởng xanh

+ #50 Thực hiện các dự án đầu tư cho ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh

+ #58 Xây dựng hệ thống MRV

(# là số thứ tự trong 68 nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam)

Hiện nay, toàn bộ các lĩnh vực ưu tiên để thực hiện Thỏa thuận Paris đều đã được hỗ trợ ở các mức độ khác nhau từ các đối tác phát triển thông qua các dự án hiện tại hay dự án mới.

 

Ông Jorg Ruger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

 

Đại diện các đối tác phát triển đã thảo luận về những hỗ trợ cụ thể cho các hành động theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC). Quá trình phối hợp hành động về biến đổi khí hậu là quá trình đầu tiên theo mô hình này ở Việt Nam. Quá trình này được thúc đẩy bởi Đối tác NDC, một sáng kiến quốc tế nhằm tăng cường hợp tác để các quốc gia có thể tiếp cận với kiến thức kỹ thuật và sự hỗ trợ tài chính cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và mục tiêu khí hậu trên quy mô lớn một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể. Cơ sở cho sự hỗ trợ của các đối tác phát triển là Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris (PIPA) của Việt Nam. Kế hoạch này đề ra 68 nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo việc đạt được NDC của Việt Nam.

Để theo dõi tiến trình hành động theo Thỏa thuận Paris, với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác phát triển Đức GIZ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày một khuôn khổ theo dõi toàn diện. Các bộ ngành chủ quản và các cơ quan liên quan sẽ báo cáo về các chỉ số theo nhiệm vụ cụ thể, một quá trình được hỗ trợ bởi nền tảng trực tuyến “Cổng thông tin điện tử NDC”. GIZ cũng đã trình diễn phiên bản mẫu của giải pháp kỹ thuật số nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình báo cáo.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Một thành công lớn khác của hội thảo là các đại biểu đã đi đến một kết luận khởi xướng một diễn đàn thực hiện NDC để sau này các đối thoại theo định hướng kết quả giữa các đối tác phát triển và các bộ ngành liên quan đến các hỗ trợ mục tiêu, thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris.

Toàn cảnh Hội thảo

*Thông tin về Đối tác NDC

 

Đối tác NDC là một Liên minh toàn cầu gồm các nước và các cơ quan cam kết hành đồng về biến đổi khí hậu. Liên minh này hiện đang do Chính phủ cộng hòa liên bang Đức và Vương quốc Morocco đồng chủ trì. Cho đến nay, Đối tác đã có 84 nước, 19 cơ quan và 7 hiệp hội là thành viên kể từ khi công bố thành lập vào tháng 11 năm 2016. Đối tác NDC đang hỗ trợ hơn 30 quốc gia thúc đẩy và thực hiện các đóng góp quốc gia của những nước này thông qua hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, chia sẻ tri thức và tiếp cận tài chính. Thông tin chi tiết tại: ndcpartnership.org

CTTĐT

Các tin khác