Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
24 năm Việt Nam gia nhập và thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
Ngày đăng: 15/10/2018
Sau 24 năm phê chuẩn tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc từng bước hạn chế sử dụng và loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

 

Những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ 20, Việt Nam bắt đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Năm 1993, với sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam đã bắt đầu những bước đi đầu tiên để Chính phủ xem xét phê chuẩn tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Khi đó, Giáo sư, Viện sỹ Đặng Hữu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đã trực tiếp cùng với Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) chủ trì việc đánh giá tác động và lấy ý kiến của các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan về việc tham gia Công ước và Nghị định thư. Hàng loạt các hội nghị, hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của rất nhiều các chuyên gia trong nước và quốc tế. Sau đó, với kiến nghị của Ủy Ban Khoa Học Kỹ thuật Nhà nước và Tổng cục KTTV, Chính phủ đã đồng ý phê chuẩn việc tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Ngày 07/01/1994, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã có Công hàm chính thức gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc thông báo về việc Việt Nam gia nhập Công ước Vienna và cam kết tuân thủ các quy định của Công ước và Nghị định thư. Công hàm là văn kiện chính thức về việc Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư.

Một số thành tích nổi bật của Việt Nam

Năm 1995 với sự trợ giúp kinh phí từ Quỹ Đa phương, chuyên gia và kỹ thuật từ Chương trình Môi trường LHQ, Việt Nam đã tiến hành điều tra thu thập thông tin về lĩnh vực và lượng sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, xây dựng Chương trình quốc gia của Việt Nam nhằm loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (ODS). Chương trình quốc gia này đã được Chính phủ phê duyệt, giao Tổng cục Khí tượng Thủy văn làm đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Montreal.

Năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập, chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ tầng ô-dôn và đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Montreal đã được Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ: i) xây dựng, ban hành các chính sách về quản lý ODS ở Việt Nam; ii) thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc xuất nhập khẩu, tiêu thụ và sử dụng ODS trong nước, tư vấn cho các ngành tiêu thụ ODS trong việc giảm dần, tiến tới loại trừ việc tiêu thụ và sử dụng ODS trong các lĩnh vực theo kế hoạch; iii) phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các dự án quốc tế nhằm loại trừ dần việc sử dụng và tiêu thụ ODS theo kế hoạch của Chương trình quốc gia, đồng thời tìm nguồn tài trợ cho việc thực hiện Chương trình quốc gia.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án loại trừ các chất ODS, trong đó có các chương trình, dự án chính dưới đây:

- Chương trình quốc gia của Việt Nam nhằm loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn;

- Dự án “Kế hoạch quốc gia của Việt Nam loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC và Halon”;

- Dự án “Tăng cường năng lực thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ở Việt Nam”;

- Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam-giai đoạn I”;

- Dự án “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong lĩnh vực làm lạnh công nghiệp”;

- Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam-giai đoạn II”;

- Dự án toàn cầu “Công nghệ lạnh góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu”.

Để hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan thực hiện hoạt động loại trừ dần các chất ODS, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT/BTM-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2005 hướng dẫn quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập-tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn cụ thể là các chất CFC, halon và CTC. Sau đấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT/BCT-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2011 quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập-tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn cụ thể là các chất hydrochlorofluorocarbon (gọi tắt là các chất HCFC) và Polyol trộn sẵn HCFC- 141b (HCFC-141b Pre-blended polyol). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 2139/ BTNMT-BĐKH ngày 03 tháng 5 năm 2017 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện các biện pháp giảm cầu polyol trộn sẵn HCFC- 141b.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm nguyên tắc một sản phẩm, hàng hóa chỉ chịu sự kiểm tra chuyên ngành của một cơ quan, qua đó tạo điều kiện thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bãi bỏ các quy định thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quí 3 năm 2018. Theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường không xác nhận về khối lượng đăng ký nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn cho doanh nghiệp mà hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thông báo hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu các chất này cho Bộ Công Thương để xem xét, quyết định cấp phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu các chất này theo đúng hạn ngạch quy định của Nghị định thư Montreal.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, các bên có liên quan tổ chức các hội thảo quốc gia, hội thảo huấn luyện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ tầng ô-dôn và hướng dẫn kỹ năng chuyên môn cho các nhà quản lý, kỹ thuật viên của các doanh nghiệp trong việc loại trừ các chất ODS. Việc phổ biến, tuyên truyền rộng rãi thông tin về vấn đề bảo vệ tầng ô-dôn, loại trừ các chất ODS theo Nghị định thư Montreal cũng được chú trọng, đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, chương trình truyền hình, phát thanh…).

Nhiều ấn phẩm, chương trình video, tài liệu thông tin tuyên truyền về thực hiện Nghị định thư Montreal, bảo vệ tầng ô-dôn đã được in, phát hành rộng rãi. Một số cuộc thi vẽ tranh tìm hiểu về tầng ô-dôn dành cho các học sinh phổ thông đã được tổ chức. Việt Nam cũng tăng cường hợp tác bảo vệ tầng ô-dôn với các nước, tổ chức quốc tế có liên quan và cử các đại diện, đoàn đại biểu tham dự, đóng góp ý kiến tại các Hội nghị, Khóa họp, Cuộc họp đàm phán về bảo vệ tầng ô-dôn trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal.

Việt Nam, sau 24 năm phê chuẩn tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, đã đạt được những thành công đáng kể trong việc từng bước hạn chế sử dụng và loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Việt Nam đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp đầu tư với sự hỗ trợ tài chính từ Nghị định thư và các biện pháp chính sách để bảo đảm tuân thủ lộ trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal. Từ 01/01/2010, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, halon và CTC; từ 01/01/2015 chúng ta đã loại trừ 500 tấn HCFC-141b nguyên chất và hơn 500 tấn methyl bromide sử dụng cho mục đích ngoài kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu. Trong giai đoạn 2018-2023, 1.000 tấn HCFC-22 sử dụng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí sẽ được loại bỏ. Công tác bảo vệ tầng ô-dôn đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Thông qua việc thực hiện các hoạt động và dự án, Việt Nam bảo đảm chắc chắn tuân thủ đầy đủ cam kết quốc tế của Nhà nước trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal và bảo đảm phát triển ổn định cho các ngành kinh tế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn cho đến khi thế giới loại trừ hoàn toàn các chất này. Ngoài ra, việc tham gia Nghị định thư Montreal cũng góp phần đáng kể vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, bởi các chất làm suy giảm tầng ô-dôn cũng là các khí nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao gấp hàng ngàn lần CO2.

Trong bối cảnh kỷ niệm 24 năm Việt Nam gia nhập và thực hiện Nghị định thư Montreal, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế xã hội của Bản Sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tại Việt Nam và đang lấy ý kiến các Bộ ngành để trình Chính phủ phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali nêu trên. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam-giai đoạn II” (do Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal tài trợ) với mục tiêu chính là loại trừ sử dụng 1.000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, thiết bị lạnh, sản xuất xốp XPS; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ polyol trộn sẵn HCFC-141b trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt trong giai đoạn 2018-2023 để giúp Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Cục BĐKH